Theo chuyên gia hỗ trợ người khuyết tật (NKT), việc nữ tiếp viên xe buýt cố tìm lý do để không cho nam hành khách là NKT lên xe cho thấy tư duy phân biệt đối xử với NKT còn rất nặng nề.
Gánh nặng và cam chịu
Ngày 9/4, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đã có trả lời báo Dân trí về thông tin "nhân viên xe buýt không cho người khuyết tật lên xe" lan truyền trên mạng xã hội.
Theo đó, vào ngày 8/4, xe buýt mang biển kiểm soát 51B-31100 chạy tuyến số 8 xuất bến lúc 7h35' tại bến Đại học Quốc Gia. Từ thời điểm 7h59' đến 8h5', tiếp viên P.T.N.H. từ chối phục vụ hành khách khuyết tật.
Trạm xe buýt qua chợ Thủ Đức - nơi xảy ra vụ việc nữ nhân viên từ chối phục vụ người khuyết tật (ảnh: facebook TP Thủ Đức).
Hành động này của nữ tiếp viên đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng, nhiều người chỉ trích sự vô tâm, phân biệt đối xử của cô H. với NKT. Sau khi xác minh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt bằng hình thức đình chỉ công việc của nữ nhân viên xe buýt trong 5 ngày.
Trao đổi cùng báo Dân trí về sự việc này, thạc sĩ Nguyễn Văn Cử - Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD, đơn vị chuyên hỗ trợ NKT), cho rằng: "Chúng ta thấy có nhiều luồng dư luận, một là ném đá, hai là thông cảm với tiếp viên, ba là ném đá người đăng thông tin, bốn là đồng cảm với NKT, còn số ít thì cho rằng NKT cũng chỉ vì tiền nên mới nhận 100.000 đồng để xuống xe".
"Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một tổ chức chuyên hỗ trợ NKT như DRD, chúng tôi cho là đã có sự phân biệt đối xử với NKT. Cụ thể, nếu tiếp viên xe buýt giải quyết sự việc dựa trên quan điểm mọi người đều bình đẳng như nhau, NKT cũng có quyền đi xe buýt thì sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ NKT như nhờ hành khách mang xe lăn lên, hoặc khiêng cả xe lăn và người lên thay vì tìm lý do để từ chối phục vụ", ông Cử nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cử - Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển.
Ông Cử cũng bình luận thêm: "Cũng giống như tiếp viên, việc có hành khách cho 100.000 đồng để NKT xuống xe đi taxi cũng là một hình thức phân biệt đối xử. Tôi xin khẳng định việc làm này xuất phát từ ý tốt, nhưng nếu họ nghĩ rằng NKT cũng có quyền được phục vụ như những hành khách khác thì sẽ thuyết phục tiếp viên cho NKT lên xe chứ không phải cho tiền để đi xe khác".
Còn về hành động nhận 100.000 đồng giúp đỡ để đi taxi của NKT, ông Cử cho rằng điều đó thể hiện tâm thế tự ti, cam chịu, nghĩ mình là gánh nặng… thường thấy ở NKT.
Ông Cử nói: "Tôi tin rằng anh ấy không vì 100.000 đồng mà xuống xe. Chính thái độ, hành vi của mọi người xung quanh tạo áp lực, vì cảm giác mình là nguyên nhân gây phiền phức cho hành khách đi cùng nên anh ấy đã cam chịu và không dám lên tiếng trước số đông đang xem anh ấy là gánh nặng. Đây cũng là đặc điểm chung của nhóm người yếu thế khi bị phân biệt đối xử, không biết lên tiếng bảo vệ mình khi đang ở vị thế yếu".
Đặc điểm chung của nhóm người yếu thế khi bị phân biệt đối xử, không biết lên tiếng bảo vệ mình khi đang ở vị thế yếu.
Tiếng nói của NKT cần được lắng nghe
Về hình thức xử lý của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM, ông Nguyễn Văn Cử cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh về vụ việc này, DRD đã liên hệ làm việc và đề nghị Trung tâm xác minh, xử lý.
Ông Cử cho rằng: "Ở đây, chúng ta không bàn về mức độ xử lý nặng hay nhẹ mà chúng ta nói về việc trung tâm đã nhìn thẳng vào sự việc, không bao che, né tránh mà xác định đúng hành vi từ chối phục vụ vì lý do khuyết tật của họ là phân biệt đối xử NKT theo khoản 3, điều 2 của Luật NKT Việt Nam năm 2010".
Nhu cầu đi lại bằng các phương tiện công cộng của NKT là rất lớn.
Nhưng những phương tiện có chức năng hỗ trợ NKT còn rất ít.
Theo ông Cử, chỉ có nhìn nhận rõ sự việc và xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, để mọi người hiểu rõ hơn về quyền của NKT, việc tạo môi trường công bằng cho NKT học tập, làm việc… là quyền lợi được luật pháp quy định chứ không phải là hành vi ban ơn, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận giao thông công cộng như xe buýt.
Bởi chỉ có môi trường tiếp cận thì NKT mới có thể ra đường, đi lại để học tập và làm việc, tự tạo công ăn việc làm và mưu sinh, vừa giảm bớt gánh nặng cho xã hội, vừa phát triển chính bản thân NKT.
Tuy nhiên, hiện hệ thống phương tiện công cộng ở TP hiện đại bậc nhất cả nước như TPHCM vẫn còn rất lạc hậu, thiếu tiếp cận với NKT. Ông Cử nói: "Nhìn vào lộ trình đầu tư thay thế xe buýt đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận đến năm 2020 phải đáp ứng 10%, cho thấy khoảng 90% phương tiện xe buýt vẫn chưa tiếp cận đối với NKT".
Do phương tiện chưa tiếp cận nên thái độ và sự hỗ trợ của tiếp viên là rất quan trọng. Trong năm 2016 và 2017, DRD đã phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thực hiện các đợt tập huấn kỹ năng hỗ trợ NKT cho các doanh nghiệp vận tải nhưng cũng chưa được nhiều, dẫn đến những trường hợp phân biệt đối xử như vừa qua vẫn còn xảy ra.
Ước mơ của những sinh viên khuyết tật này là có thể tự mình ra đường học tập và làm việc trong một thế giới tiếp cận, thay vì chờ sự giúp đỡ của người khác.
Chỉ có môi trường tiếp cận thì NKT mới có thể ra đường, đi lại để học tập và làm việc, tự tạo công ăn việc làm và mưu sinh, vừa giảm bớt gánh nặng cho xã hội, vừa phát triển chính bản thân NKT.
Ông Cử cho rằng: "TPHCM đang trên đường xây dựng thành phố thông minh nên việc đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng thân thiện, tiếp cận với NKT là rất quan trọng. Hệ thống này sẽ góp phần tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm, vui chơi giải trí của NKT".
Và để đảm bảo hạn chế những hành vi phân biệt đối xử với NKT, ông Cử đề nghị: "Khi xây dựng hệ thống giao thông thân thiện và tiếp cận, thành phố nên tham vấn ý kiến rộng rãi các cá nhân NKT, tổ chức của NKT; đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát có NKT tham gia để tiếng nói của NKT được lắng nghe và quyền của NKT được thực thi".
Tùng Nguyên/Dantri.com.vn