Giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ” ở cấp huyện: Cần sự nỗ lực từ cơ sở

Thứ 2, 26.04.2021 | 15:10:55
393 lượt xem

Năm 2019, UBND tỉnh triển khai giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả hồ sơ TTHC) tại cấp huyện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã nảy sinh nhiều khó khăn tồn tại.

Bình Gia là một trong số những huyện gặp nhiều khó khăn trong thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”. Hiện tại, huyện chỉ có 33/250 TTHC thuộc thẩm quyền được giải quyết theo cơ chế này, chiếm 13,2%.  Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND, Trưởng Bộ phận “một cửa” huyện Bình Gia cho biết: Để giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” đòi hỏi  bộ phận  “một cửa” phải rộng, được bố trí  mỗi lĩnh vực một phòng riêng, có bàn ghế đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi vẫn chưa đáp ứng được những điều kiện đó. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục quan tâm, xây dựng phương án cân đối nguồn kinh phí hợp lý để thực hiện hiệu quả cơ chế này.

Công chức bộ phận “một cửa” UBND huyện Bình Gia hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ TTHC lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Tương tự, huyện Văn Quan cũng chỉ có 39/259 TTHC được giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ”, chiếm 16%. Việc giải quyết theo cơ chế này ở đây cũng gặp nhiều khó khăn nhất định. Bà Phương Thị Phi Hoàn, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Văn Quan cho biết: Theo quy định, giải quyết TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ” thì mỗi lĩnh vực phải bố trí một ekip 3 hoặc 4 người trong đó có cả lãnh đạo phòng chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng biên chế làm việc tại UBND huyện ít, công việc chuyên môn lại nhiều nên chúng tôi không thể bố trí nhân lực ngồi thường xuyên tại bộ phận “một cửa” của huyện được. Thay vào đó, chúng tôi chỉ có thể bố trí 1 cán bộ phụ trách tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC .

Không chỉ ở 2 huyện trên mà đây là khó khăn, bất cập chung tại tất cả các huyện, thành phố. Qua tìm hiểu được biết, đến hết quý I/2021, trung bình mỗi huyện, thành phố có 51 TTHC được giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ”, chiếm 23,4% số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp huyện (theo quy định tối thiểu phải đạt 50%). Trong đó, chỉ có các TTHC đơn giản như lĩnh vực vực hộ tịch (cấp bản sao), chứng thực giấy tờ là đảm bảo giải quyết hồ sơ theo cơ chế này, các thủ tục còn lại ở các lĩnh vực khác chỉ tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC chứ chưa thể thẩm định, phê duyệt hồ sơ tại chỗ.

Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn, hạn chế trên là do chưa có sự thống nhất trong triển khai cơ chế “4 tại chỗ” tại cấp huyện danh mục, tỷ lệ TTHC đề xuất thực hiện giải quyết theo cơ chế này của các huyện, thành phố chưa đồng đều.  Việc rà soát, lựa chọn các TTHC để giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” của cấp huyện chưa thực hiện nghiêm túc, đúng quy định theo Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ. Về cơ sở vật chất, không gian làm việc tại các bộ phận “một cửa” cấp huyện còn thiếu thốn, chật chội, chỉ khoảng  40 m2, không đáp ứng đủ yêu cầu giải quyết “4 tại chỗ”; các phòng chuyên môn thì nằm rải rác không tập chung ở một chỗ. Hơn nữa, để giải quyết “4 tại chỗ” thì đội ngũ cán bộ cần đảm bảo đủ số lượng, mỗi lĩnh vực cần có một ekip 3 hoặc 4 người, đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để có thể thẩm định, phê duyệt trả kết quả TTHC, nhưng thực tế hiện nay, biên chế ngày càng giảm, khối lượng công việc chuyên môn nhiều, các huyện, thành phố khó có thể bố trí đúng, đủ cán bộ trực giải quyết hồ sơ TTHC tại “một cửa”. Ngoài ra, trong số các TTHC được giải quyết “4 tại chỗ”  có những TTHC cần có thời gian thẩm định, liên quan đến các cơ quan chuyên môn khác nên không thể làm ngay tại chỗ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định chung trong triển khai thực hiện cơ chế “4 tại chỗ” tại cấp huyện để tạo sự thống nhất. Đôn đốc, nhắc nhở các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc rà soát, lựa chọn các TTHC để giải quyết theo cơ chế “4 tại chỗ” đạt tối thiểu từ 50% trở lên. Về phía UBND các huyện, thành phố cần phải tự nỗ lực, cân đối ngân sách khắc phục khó khăn về trụ sở, cơ sở vật chất. Trước mắt nếu chưa bố trí được đủ mỗi lĩnh vực một phòng thì ưu tiên lựa chọn các TTHC đơn giản, dễ giải quyết để thực hiện trước đồng thời bố trí hợp lý con người làm việc tại “một cửa”…


HOÀNG HIẾU/BAOLANGSON.VN

https://baolangson.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/417879-giai-quyet-tthc-theo-co-che-4-tai-cho-o-cap-huyen-can-su-no-luc-tu-co-so.html

  • Từ khóa