Nhiều ngày qua, tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Các tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang... đang khẩn trương cho truy vết các ca F1
Ngày 15-5, Việt Nam ghi nhận 169 ca mắc Covid-19, gồm 4 ca nhập cảnh và 165 ca mắc trong nước. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có số ca mắc cao nhất với 109 trường hợp; số còn lại ghi nhận ở Điện Biên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk. Một tuần qua, Việt Nam không phát hiện các ổ dịch mới.
Một bệnh nhân Covid-19 tử vong
Bộ Y tế cũng cho biết trong ngày 15-5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mắc Covid-19. Đó là bệnh nhân nữ 89 tuổi (BN 3839, ở Bắc Ninh), là ca F1 của BN 3521, đã được cách ly từ trước.
BN 3839 được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13-5. Ngay sau đó, BN 3839 được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương với chẩn đoán viêm phổi nặng do Covid-19, suy hô hấp tiến triển trên tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp nhiều năm, xẹp đốt sống thắt lưng. BN 3839 tử vong ngày 15-5 với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử xẹp đốt sống thắt lưng đã phẫu thuật. Đây là ca tử vong thứ 36 của bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam và là ca bệnh tử vong đầu tiên trong đợt dịch này.
Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết Việt Nam đang điều trị hơn 1.100 bệnh nhân Covid-19. Trong số này có 34 ca tiến triển nặng, 13 ca tiên lượng rất nặng và 1 ca tiên lượng tử vong. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hiện điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước với 330 người.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện, kiểm tra y tế trên đường cao tốc TP HCM - Trung LươngẢnh: Ý LINH
Tuyệt đối không để mất dấu F0
Các tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang... đang khẩn trương cho truy vết các ca F1, giãn cách xã hội một số địa phương và phong tỏa một số khu vực để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương TP phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các địa bàn, bảo đảm nắm chắc tình hình biến động lực lượng lao động, chuyên gia thường xuyên làm việc trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức diễn tập các tình huống theo mức độ dịch bệnh lây lan.
Làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc, theo nhận định của PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát tốt. Song, thực tế vẫn có yếu tố nguy cơ cao, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào khi nguồn lây tại tỉnh bắt đầu từ ca bệnh Trung Quốc đã xác định là biến thể liên quan đến Ấn Độ. Ổ dịch lớn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí rất khó truy vết; đã xuất hiện những ca bệnh trong doanh nghiệp... Vì vậy, tỉnh cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, quan trọng nhất là phải tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát - điều tra - truy vết - khoanh vùng, tuyệt đối không để mất dấu nguồn lây F0.
Về nhiệm vụ cụ thể, PGS-TS Trần Như Dương đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục rà soát kỹ các trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh; thực hiện đúng nguyên tắc khoanh vùng, phong tỏa trong trường hợp cần thiết để nhanh chóng thực hiện các mục tiêu, giải pháp khống chế dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cơ quan y tế tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả trường hợp có biểu hiện ho, sốt, đau họng trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, bên cạnh các giải pháp đang được thực hiện, các nhà máy, doanh nghiệp cần thành lập các tổ an toàn sản xuất để chủ động nắm chắc danh sách, địa chỉ thường trú của 100% công nhân đang làm việc trong các công ty; khẩn trương xây dựng kịch bản phong tỏa công ty, xưởng sản xuất, dây chuyền sản xuất trong trường hợp phát hiện có ca bệnh để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định...
Ngọc Dung - Huy Thanh/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/khan-truong-truy-vet-f0-f1-20210515225039764.htm