Dập bằng được ổ dịch Bắc Giang

Thứ 5, 27.05.2021 | 14:33:37
391 lượt xem

Bộ Y tế yêu cầu "đóng băng" tất cả các khu nhà ở của công nhân ở điểm nóng Bắc Giang và đề nghị địa phương lên kịch bản số người mắc cao hơn kịch bản 3.000 ca hiện tại

Tình trạng lây nhiễm ở các khu công nghiệp (KCN) Bắc Giang rất phức tạp, với tỉ lệ 55% F1 chuyển thành F0. Dịch cũng chưa thể hạ nhiệt bởi địa phương này cũng còn hơn 50.000 mẫu xét nghiệm có nguy cơ rất cao.

Số ca mắc tăng do tổng lực tăng tốc xét nghiệm

Chiều 25-5, Bộ Y tế họp khẩn cấp với bộ phận công tác đặc biệt tại Bắc Giang và Sở Y tế tỉnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến 16 giờ cùng ngày, tại Bắc Giang đã ghi nhận thêm 375 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Số lượng các ca dương tính này được phát hiện nhờ tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang và các lực lượng y tế đã triển khai tại tất cả KCN, các nhà máy và khu lưu trú của công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

"Đây chủ yếu là các trường hợp F1 đang được cách ly, trước đó có những trường hợp xét nghiệm âm tính, nay xét nghiệm lại dương tính. Tất cả công nhân dương tính này đều đang lưu trú tại khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đang được kiểm soát" - ông Sơn nói và đánh giá số bệnh nhân dương tính vẫn sẽ gia tăng do đang tổng lực tiến hành xét nghiệm. Bắc Giang hiện vẫn bảo đảm điều kiện cách ly các trường hợp F1, F0.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), từ góc độ chống dịch thì chỉ có cách ly xã hội cắt đứt chuỗi lây lan nhanh nhất nhưng tác động rất lớn đến kinh tế và tâm lý xã hội. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang làm rất đúng, chỉ khoanh vùng ở địa bàn nguy cơ cao, tuy nhiên, chưa quản lý chặt trong khu vực bị khoanh vùng, phong tỏa.

Các chuyên gia phân tích và khẳng định nếu thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn Covid-19 đối với cơ quan, nhà máy, xí nghiệp… thì dù còn điểm dịch nhưng sẽ không bao giờ phải giãn cách xã hội toàn quốc. Tuy nhiên nếu lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đến mức không thể kiểm soát được thì buộc phải giãn cách xã hội toàn quốc, sẽ gây hệ lụy rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến thời điểm đó thì phải chấp nhận.

Trước diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, Bộ Y tế yêu cầu bộ phận công tác đặc biệt của bộ đang chỉ đạo chống dịch tại Bắc Giang ngay lập tức "đóng băng" tất cả các khu nhà ở của công nhân. Bảo đảm cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống. Áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung. Tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.

Nhận định tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ưu tiên lớn nhất hiện nay là dập bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được thì dịch sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác và như thế sẽ rất nguy hiểm. Với biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ có khả năng lây lan rất nhanh, mạnh và rất rộng. Đặc biệt, ở Bắc Giang dịch lại bùng phát ở trong KCN, nơi có mật độ người rất cao. Từ xe chuyên chở công nhân đến môi trường làm việc, khu ăn, khu vệ sinh đều khép kín, sử dụng điều hòa. Đây là môi trường lý tưởng để virus phát tán trong không khí và lây lan với tốc độ nhanh chưa từng có.

Dập bằng được ổ dịch Bắc Giang - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang Ảnh: NGUYÊN THẢO

Tính toán cách ly F1 tại nhà ở Bắc Giang, Bắc Ninh

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 166.000 người đang phải cách ly y tế, trong đó gần 41.000 người cách ly tại bệnh viện và cơ sở tập trung. Điều này đang tạo áp lực cho việc quản lý cách ly cũng như gánh nặng về nhân lực, tài chính.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định diễn biến dịch bệnh trong các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh hiện nay có hàng chục ngàn F1 (người tiếp xúc gần với ca Covid-19) nên cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo thay vì áp dụng theo đúng những hướng dẫn đã có. "Trong một nhà máy khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm PCR mẫu đơn, phải cách ly tập trung" - PGS Phu nói.

Tuy nhiên, PGS Phu cho rằng thay vì áp dụng máy móc như vậy, cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng, những F1 ít nguy cơ hơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn, cũng như có thể thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như chúng ta đã cách ly tại nhà đối với F2.

PGS Phu cũng kiến nghị Bộ Y tế cần có ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt có thể áp dụng trong các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh, kể cả cách ly F1, F2. Cùng chung quan điểm này, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế F1 tại nhà để tỉnh chuẩn bị phương án triển khai thí điểm trong thời gian tới trong tình huống số ca mắc, số F1 tăng cao.

Về việc cách ly tại nhà đối với F1, PGS Phu phân tích thêm trong bối cảnh số ca F1 tại các KCN ngày càng đông, việc cho phép cách ly F1 tại nhà là chủ trương hoàn toàn phù hợp trong tình hình mới. "Hiện nay hầu hết F0 tại Bắc Giang được phát hiện trong các KCN, đây là nơi có mật độ đông, tiếp xúc rất lớn nên khi có 1 ca dương tính có thể phải cách ly hàng trăm F1. Cách ly tập trung cùng lúc hàng ngàn F1 khiến lực lượng chức năng khó khăn trong sắp xếp chỗ ăn ở, phục vụ sinh hoạt, nếu lên tới hàng trăm ngàn F1 thì không đủ cơ sở vật chất. Trường hợp cách ly tập trung không bảo đảm sẽ làm lây nhiễm chéo, rất nguy hiểm. Do đó, nếu triển khai tốt việc cách ly F1 tại nhà sẽ vừa giảm gánh nặng cho cơ quan chức năng, tiết kiệm ngân sách vừa tạo điều kiện cho người cách ly được sinh hoạt trong môi trường gia đình" - PGS Phu nói.

PGS Phu cho rằng để thực hiện cách ly F1 tại nhà cần có kế hoạch, phương án cụ thể với các quy định về điều kiện khắt khe để bảo đảm an toàn phòng chống dịch.


Ngọc Dung - Huy Thanh/Nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/dap-bang-duoc-o-dich-bac-giang-20210525223011734.htm

  • Từ khóa