Những năm qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, các ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập của các loại hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây mất ATVSTP. Vì thế, những năm qua, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tích cực tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền ATVSTP, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, đưa kiến thức về ATVSTP đến với cộng đồng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền ATVSTP tại chợ Bờ sông, thành phố Lạng Sơn (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Ông Nguyễn Công Anh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Những năm qua, Chi cục ATVSTP tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể … tăng cường truyền thông trong lĩnh vực ATVSTP đến cán bộ, hội viên và Nhân dân. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện (từ tháng 1/2020), công tác tuyên truyền đã được triển khai với nhiều hình thức, phù hợp với từng thời điểm diễn biến của dịch bệnh.
Tính riêng từ năm 2020 đến nay, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền với khoảng 30 tin, bài phóng sự về ATVSTP. Đồng thời, xây dựng 79 tin, bài đăng tải trên Bản tin Y tế, website của Cục ATVSTP, Sở Y tế, Chi cục ATVSTP tỉnh, Zalo An toàn thực phẩm Lạng Sơn. Cùng đó, chi cục đã in 90 băng rôn tuyên truyền treo ở các trục đường lớn của thành phố Lạng Sơn và các huyện. Đồng thời, chuyển 4 đĩa VCD cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, 52 đĩa CD cho văn phòng HĐND – UBND các huyện, thành phố Lạng Sơn để thực hiện tuyên truyền.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh được kiểm soát (tháng 5, 6/2020 và 4 tháng đầu năm 2021), Chi cục ATVSTP đã tổ chức được 36 cuộc tập huấn kiến thức ATVSTP cho hơn 1.400 cán bộ quản lý, nhân viên các bếp ăn tập thể của trường học, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cán bộ chi hội phụ nữ thôn, khối phố. Không chỉ được tập huấn các kiến thức liên quan đến lĩnh vực ATVSTP, học viên còn được trang bị kỹ năng tuyên truyền miệng, từ đó, trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại cộng đồng, giúp người dân nâng cao kiến thức về ATVSTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Nhiều người dân trong thôn thường có thói quen vào rừng hái nấm về ăn. Năm 2017, thôn đã xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm rừng gây tử vong 1 người. Từ đó đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ thôn đã dành thời gian nghiên cứu tài liệu tuyên truyền, tham gia các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về ATVSTP, phổ biến, giúp người dân nâng cao nhận thức sử dụng thực phẩm an toàn, phòng tránh ngộ độc. Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền ATVSTP tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền lưu động tại các huyện, thu hút 132 cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia hoạt động. Mặt khác, các cuộc thanh, kiểm tra cũng là dịp để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khắc phục các hạn chế, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo ATVSTP theo đúng quy định của pháp luật.
Qua tuyên truyền ATVSTP đã giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe để người dân và cộng đồng chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Chị Hoàng Thị Tình, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình chia sẻ: Qua nghe tuyên truyền trên loa, đài, xem tờ rơi, tôi cũng biết hơn về cách lựa chọn thực phẩm tươi ngon cho gia đình, cách bảo quản để đảm bảo chất lượng thực phẩm. Tôi cũng nhắc nhở các con không nên tự ý hái, ăn các loại rau, nấm mọc hoang trong rừng, trong vườn.
Thực tế trên cho thấy: hoạt động tuyên truyền được triển khai thường xuyên, kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn kể cả ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSTP của người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Thời gian tới, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chi cục ATVSTP tỉnh tham mưu cho Sở Y tế, Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sử dụng thực phẩm an toàn, đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát, đảm bảo ATVSTP ở các khu cách ly, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm online… để đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn
NGỌC HIẾU/BAOLANGSON.VN