Từ đầu năm 2020, khi nước ta có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên đến nay, đội ngũ nhà báo, phóng viên trong cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã luôn đồng hành cùng các lực lượng ở tuyến đầu tuyên truyền chống dịch. Nỗ lực của mỗi người làm báo đã góp phần phản ánh kịp thời về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến với Nhân dân.
Không ngại xông pha, gian khó
Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tác nghiệp tại các khu cách ly trên địa bàn tỉnh
Là một nữ phóng viên trẻ công tác tại Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Nguyễn Thuý Ngân từ không có khái niệm làm nghề báo mà đến nay đã gắn bó, đam mê với nghề này được hơn 10 năm.
Với đặc thù của Phòng Thời sự là chủ công tuyên truyền phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự, chính trị, sự kiện nóng hổi đến với người xem truyền hình, thời gian qua, phóng viên Thuý Ngân đã không ngại khó khăn đảm nhận phản ánh nhiều đề tài gai góc, cực nhọc đối với giới nữ như: phòng, chống ma tuý, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19… góp phần vào công tác tuyên truyền chung của đơn vị.
Phóng viên Thuý Ngân chia sẻ: Đầu năm ngoái (2020), khi nước ta bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, tôi đang nghỉ chế độ khi sinh cháu thứ hai. Đến tháng 7/2020, khi bắt đầu đi làm thì huyện Đình Lập xuất hiện 4 ca F0 trong một gia đình và địa phương phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội đối với khu phố có ca nhiễm bệnh. Mặc dù mới đi làm, con còn nhỏ nhưng tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm tuyên truyền, phản ánh về công tác phòng, chống dịch tại Đình Lập. Do các điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch nên chúng tôi khó tiếp cận khu phố đã bị cách ly. Vì vậy, tôi đã liên hệ với đội ngũ làm nhiệm vụ trong khu cách ly và chính những người dân để có được những hình ảnh chân thực nhất. Trong đó, có chi tiết cảm động là mọi người trong khu cách ly cùng nhau hỗ trợ chăm sóc 1 cụ già neo đơn, sức khoẻ yếu với những hình ảnh như: gội đầu giúp cụ, đưa cơm cho cụ… Qua đó, đã phản ánh kịp thời cuộc sống, tình người của người dân trong khu cách ly.
Không chỉ đến địa bàn có dịch phản ánh trực tiếp công việc của các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ chống dịch mà phóng viên Thuý Ngân còn cùng đồng nghiệp tìm tòi, nghiên cứu, phản ánh nhiều đề tài liên quan đến công tác quyên góp, ủng hộ chống dịch của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2020 đến nay, chị Ngân đã thực hiện và phối hợp thực hiện được gần 200 tác phẩm liên quan đến đề tài chống dịch. Trong đó tác phẩm “Tình người giữa mùa dịch” của chị đã nhận cú đúp 2 giải thưởng các cấp như: Giải báo chí chất lượng cao của tỉnh năm 2020, Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2021. Đặc biệt, để ghi nhận sự đóng góp của chị, vừa qua, Hội đồng thi đua khen thưởng của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã trình Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng, tặng bằng khen cho cá nhân chị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của Báo Lạng Sơn, gần 2 năm qua, hơn chục phóng viên của Phòng Văn hoá – Xã hội là lực lượng chủ công. Ngoài ra, phóng viên các phòng khác trong toà soạn cũng bám sát đề tài thời sự này để phản ánh kịp thời nhất đến với bạn đọc. Trong số đó, phóng viên Triệu Thành được phòng và cơ quan giao nhiệm vụ tuyên truyền chính, bám nắm những chỉ đạo mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp để tổ chức thực hiện các tuyến bài, thông tin tuyên truyền kịp thời trên 2 ấn phẩm báo in và báo điện tử. Những địa bàn “tâm dịch” như: Đình Lập, Hữu Lũng luôn được anh quan tâm phản ánh thường xuyên. Qua đó, bạn đọc được nắm bắt, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, những giải pháp của tỉnh, nỗ lực của y bác sĩ và các lực lượng chức năng đang gồng mình chống dịch, tâm tư của người dân khu cách ly…
Phóng viên Triệu Thành chia sẻ: Là phóng viên phụ trách tuyên truyền về mảng y tế, tôi đã nỗ lực bám nắm các hoạt động của ngành, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Khi tác nghiệp tại các điểm nóng hay tâm dịch, tôi luôn cố gắng gửi về cho toà soạn những tin, bài, hình ảnh ở đó một cách nhanh nhất. Khó khăn, vất vả, tôi không ngại, không nề hà. Có tuần, tôi đi liên tục, khi thì Ban chỉ đạo họp, khi thì đi theo đoàn kiểm tra, không thì lại đến vùng tâm dịch phản ánh cuộc sống của người dân… Tôi thấy vinh dự khi được phòng và cơ quan tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia tuyên truyền chống dịch, chỉ thấy hơi buồn là vì đi nhiều nên không được ở gần chăm sóc và thường xuyên chơi với con, hiện cháu đã được gần 2 tuổi.
Không chỉ có phóng viên các cơ quan báo chí mà thời gian qua, phóng viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố cũng luôn sâu sát cơ sở, nắm địa bàn, trực tiếp tác nghiệp ở các điểm cách ly để thông tin tuyên truyền kịp thời, nhất là tại địa bàn tâm dịch Hữu Lũng. Ông Nguyễn Công Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Hữu Lũng cho biết: Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này (từ 27/4/2021), Hữu Lũng trở thành tâm dịch của cả tỉnh với 92 ca F0 (đến ngày 19/6/2021, cả tỉnh có 104 ca F0). Thời gian qua, trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cổ động trực quan như: treo băng rôn khẩu hiệu về phòng dịch, tuyên truyền lưu động 2 lần/ngày trên các trục đường phố; cử tuyên truyền viên đi phản ánh tại các nơi có nhiều ca bệnh, các khu cách ly… với hơn 100 tin, bài, góp phần tuyên truyền kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Có thể thấy rằng, thời gian qua, hàng trăm nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí, các cộng tác viên trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phản ánh một cách khách quan, chân thực, đi thẳng vào những vấn đề mà bạn đọc quan tâm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các tin, bài, phóng sự đã góp phần tăng sự quan tâm của bạn đọc với công tác phòng, chống dịch; đẩy lùi những thông tin thiếu chính xác, tin giả, gây hoang mang trong dư luận và người dân.
Đảm bảo an toàn phòng dịch
Biết rằng nhà báo, phóng viên không ngại khó khăn, gian khổ để dấn thân tuyên truyền nhưng khi tham gia tác nghiệp, yếu tố được đặt lên hàng đầu ngoài tin, bài truyền về như thế nào nhanh nhất mà còn là làm thế nào để mình và mọi người được an toàn nhất.
Xác định như vậy, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã quán triệt đội ngũ nhà báo, phóng viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho những lần đi tác nghiệp, trang bị và nắm rõ những hướng dẫn đảm bảo an toàn của Bộ Y tế. Vì thế không quá bất ngờ khi trong hành trang lỉnh kỉnh những máy quay, máy tính xách tay, ghi âm, máy ảnh của đội ngũ làm báo còn có thêm đôi bộ quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn, khẩu trang, găng tay y tế, nước xịt khử khuẩn…
Phóng viên Nguyễn Phương Thuý, Phòng Thời sự, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh chia sẻ: Phóng viên là người đi nhiều nơi, tiếp cận nhiều người ở vùng dịch và các địa bàn khác nhau nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy chúng tôi luôn chuẩn bị các đồ bảo hộ, nước sát khuẩn để mang theo mỗi lần đi tác nghiệp và khi tác nghiệp thì luôn cẩn trọng, tuân thủ theo khuyến cáo của các đơn vị y tế, lực lượng chức năng. Chúng tôi luôn xác định việc đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch là nhiệm vụ tiên quyết giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao.
Không chỉ thực hiện các bước an toàn khi về cơ quan, lúc về đến nhà mỗi thành viên cũng thực hiện các bước sát khuẩn, tắm, thay quần áo để riêng… để đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp, gia đình và những người xung quanh. Với sự chuẩn bị chu đáo, ý thức phòng dịch cao như vậy, từ đầu mùa dịch 2020 đến nay, tỉnh Lạng Sơn chưa có trường hợp nhà báo, phóng viên nào bị lây nhiễm Covid-19.
Ghi nhận, tôn vinh những “chiến sĩ” tuyên truyền
Phóng viên Đài PTTH tỉnh tác nghiệp tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng –Ảnh Triệu Thành
Mỗi nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí đều có sứ mệnh tuyên truyền của mình và rất đáng được tôn vinh, nhất là những người tham gia tuyên truyền về công tác chống dịch Covid-19. Sự tôn vinh, ghi nhận của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt sự ủng hộ của gia đình, người thân là động lực để họ tiếp tục đam mê, dấn thân xông pha và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bà Hoàng Thị Lan, 65 tuổi, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Từ ngày có dịch, tôi và nhiều người dân rất hoang mang, lo lắng, nhất là hiện nay tỉnh mình đã có hơn 100 ca nhiễm Covid-19. Vì thế, tôi thường xuyên xem truyền hình Lạng Sơn, nhất là chương trình thời sự để nghe thông tin về tình hình dịch bệnh, rồi vào Báo Lạng Sơn điện tử và các báo trung ương để cập nhật tin tức. Qua đó, tôi cũng thấy yên tâm hơn vì nước mình, tỉnh mình đã có nhiều giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Qua đây, tôi thực sự cảm phục và biết ơn các nhà báo của tỉnh, của trung ương đã xông pha trên mọi địa bàn để có nhiều thông tin cho chúng tôi nắm bắt, yên tâm và qua đó, nâng cao ý thức cùng chung tay trong phòng, chống dịch.
Để những nhà báo có thể yên tâm tham gia tuyên truyền chống dịch, sự ủng hộ, khích lệ của hậu phương, gia đình là yếu tố rất quan trọng. Rất nhiều bố, mẹ, ông bà nội, ngoại đảm nhận nhiệm vụ giúp các nhà báo trong việc chăm sóc nhà cửa, chăm nom kiêm kèm cặp học tập cho con, cháu… Và khi được phỏng vấn thì họ – chồng của các nữ phóng viên như: Thuý Ngân, Phương Thuý hay vợ của phóng viên Triệu Thành đều cho rằng, họ hiểu và cảm thông với nghề của vợ/chồng mình. Chính vì thế, họ luôn cố gắng chia sẻ việc chăm con, chăm lo gia đình để vợ/chồng mình có thể yên tâm và làm tốt công việc được giao, tác phẩm được nhiều người đón nhận.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhà báo, phóng viên, cộng tác viên trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Thời gian qua, đội ngũ nhà báo đã tích cực tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 một cách kịp thời. Trên báo, đài hằng ngày đưa nhiều thông tin liên quan về công tác chống dịch như: các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh, ban chỉ đạo, công tác kiểm tra cơ sở, các vấn đề liên quan đến công tác chống dịch đều được phản ánh nhanh, đúng, trúng. Qua đó, góp phần truyền tải thông tin về tình hình dịch bệnh đến Nhân dân, lan toả nhiều hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp giúp nhau lúc khó khăn trong mùa dịch… rất đáng được biểu dương.
Tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức sơ kết về công tác phòng, chống dịch bệnh, qua đó sẽ ghi nhận, tôn vinh những tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống dịch, trong đó có các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo của tỉnh.
Lời kết
Nghề báo được ví như một nghề nguy hiểm và đội ngũ những người làm báo luôn đối mặt với rất nhiều nguy hiểm khi tác nghiệp, nhất là trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 đang rất phức tạp như hiện nay. Vì vậy, những nỗ lực trong công việc của họ rất đáng trân trọng và rất cần sự ghi nhận của lãnh đạo, đồng nghiệp, người thân và độc giả.
Sự ghi nhận, trân trọng đó là động lực để họ thêm yêu nghề và cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp báo chí của tỉnh nhà. Sự ghi nhận ấy càng trân quý hơn trong những ngày tháng 6 này, khi đội ngũ làm báo cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đã và đang có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021).
THANH HUYỀN/baolangson.vn
https://baolangson.vn/van-hoa/429925-nha-bao-di-tuyen-truyen-chong-dich.html