Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách bố trí được 14.000 tỷ đồng, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 hiện có 8.000 tỷ đồng, tổng lại đã gần đủ để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 75 triệu dân.
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tại phiên họp toàn thể ngày 24/6 của UB Kinh tế để thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại cuộc họp, về vấn đề chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chậm, kém hiệu quả, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp của UB Kinh tế của Quốc hội.
Đầu tiên là giảm thuế, giãn hoãn thuế đến 31/12/2022 rất kịp thời. Sau đó là phụ cấp đặc thù cho cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc xin, rồi chính sách đóng góp vào quỹ vắc xin được tính giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, chế độ tiền ăn cho trẻ em trong khu cách ly, hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19…
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương, chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân. Đây là quyết sách của Bộ Chính trị và Chính phủ đang quyết liệt triển khai.
"Được sự ủng hộ của UB Thường vụ Quốc hội, ngân sách có 14.000 tỷ đồng được bố trí vào dự toán để tiêm vắc xin. Quỹ vắc xin hiện có khoảng 8.000 tỷ đồng, tổng cộng là 22.000 tỷ, nghĩa là gần đủ để tiêm cho 75 triệu dân mỗi người 2 mũi (theo tính toán, số tiền cần có khoảng 25.000 tỷ đồng - PV)" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý thêm, chỉ có "vắc xin + 5K" mới ngăn chặn được đại dịch, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, còn chính sách hỗ trợ "chỉ để vượt qua đận này thôi".
Không xin giảm chỉ tiêu tăng trưởng
Cũng thông tin về khó khăn của các doanh nghiệp và người lao động cũng như của một bộ phận dân cư và chính sách hỗ trợ của nhà nước, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đã có rất nhiều chính sách. Chính phủ hiện đã giao Bộ KH-ĐT tổng kết về kết quả, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Bộ trưởng thông tin, Bộ KH-ĐT đang làm, sắp tới sẽ có báo cáo đầy đủ với Quốc hội kể cả mặt được và không được trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ.
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô GDP dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).
"Tốc độ tăng trưởng thì chưa đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội XIII đã đi vào cuộc sống, nhân sự mới kiện toàn, nhiều khí thế mới, động lực mới, khát vọng mới, Việt Nam đang triển khai chiến lược tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân, dư địa các ngành còn nhiều. Chính phủ họp, chúng tôi kiến nghị thống nhất kiên định mục tiêu tăng trưởng, không điều chỉnh vội, lúc nào thấy không được thì báo cáo xin Quốc hội sau" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Để đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao 6%, Chính phủ xây dựng kế hoạch 6,5%, Bộ trưởng cho biết đã xây dựng kịch bản tăng trưởng rõ hơn, quý III và quý IV sẽ làm thế nào, từng ngành, từng lĩnh vực sẽ làm gì và thấy rằng hoàn toàn có dư địa để làm được.
Liên quan đến áp lực lạm phát, vấn đề nhiều đại biểu và chuyên gia lo ngại, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư hồi âm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29%, tuy nhiên, dự báo những tháng cuối năm giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, nên trong điều hành sẽ không chủ quan, xác định giữ ổn định vĩ mô là hàng đầu.
Chính phủ sẽ theo dõi sát sao biến động giá cả, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, lấy đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô làm mục tiêu đầu tiên.
Thái Anh/dantri.com.vn