Hà Nội: "Shipper" sẽ không được phép hoạt động theo quy định giãn cách xã hội

Thứ 7, 24.07.2021 | 15:05:55
1,184 lượt xem

Sáng 24-7, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ sáng cùng ngày.

Phân luồng điều trị 4 tầng, không để lây nhiễm chéo

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các Sở: Y tế, Giao thông vận tải, Công Thương đã thông tin làm rõ các giải pháp của Thủ đô cũng như các vấn đề người dân quan tâm trong việc thực hiện giãn cách xã hội. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, từ 18 giờ ngày 23-7 đến 7 giờ sáng 24-7, trên địa bàn thành phố có thêm 9 ca mắc Covid-19, đều là F1. Hiện tại, các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị 379 bệnh nhân, trong đó có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu).

Về diễn biến tình hình dịch đợt này, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virus Delta và Delta+ có khả năng lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, chỉ từ 2-3 ngày.

Hà Nội:
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. 

Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, đang là phương án, kịch bản 1.000 giường đã được thực hiện. Cùng với đó, sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.0000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị. Tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Thành phố có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể trở thành bệnh viện với quy mô 700 giường.

Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền. Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh. Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối với quy mô 250 giường. Ngoài ra, ở địa bàn TP Hà Nội, với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài các bệnh viện của thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.

Hà Nội:
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng báo cáo tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn. 

“Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể”, Phó giám đốc Sở Y tế khẳng định.

3 đối tượng được ưu tiên đi lại trong giãn cách xã hội

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, với việc bảo đảm hàng hóa, Sở Công Thương đã được giao triển khai từ đầu năm 2020, hiện đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo thành phố, lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng tại nội đô và một số tỉnh lân cận.

Từ khi có Công điện 15 của UBND TP Hà Nội, các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hàng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm; bố trí nhân lực triển khai bán hàng hoặc bán hàng trực tuyến. Theo bà Phương Lan, vào sáng 24-7, lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15-30%, nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường. Tại các chợ dân sinh, nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Hà Nội đang triển khai phương án để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt lưu thông hàng hóa. Thành phố đã có chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt nhất cho người dân.

Hà Nội:
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan khẳng định thành phố chuẩn bị đủ nhu cầu hàng hóa cho người dân trong mọi hoàn cảnh. 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, thực hiện việc giãn cách xã hội, Sở đã xác định 3 đối tượng được ưu tiên đi lại là: Xe vận chuyển cung ứng hàng hóa theo “luồng xanh” quốc gia có lộ trình qua TP Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội; xe chở người và phương tiện phục vụ các cơ quan công vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động, các phương tiện vận chuyển hành khách khác được cấp thẩm quyền cho phép.

Để thực hiện vấn đề này, sở phối hợp với Công an thành phố duy trì 22 chốt kiểm soát hiện nay và sẽ tổ chức thêm để có 30 chốt toàn thành phố và 26 chốt kiểm soát ở các quận huyện. Về việc vừa qua có tình trạng ùn tắc ở một số chốt, ông Vũ Văn Viện cho biết, thành phố sẽ tổ chức lại các chốt thành nhiều lớp, để kiểm soát chặt chẽ 100% xe đi vào TP theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy nhưng không gây ùn tắc. Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về việc “shipper” có được hoạt động hay không, ông Viện cho biết, trong sáng 24-7, sở đã báo cáo UBND TP Hà Nội và quyết định định cấm “shipper” hoạt động.

Ông Vũ Văn Viện giải thích: “Đây là lực lượng lớn, chưa kiểm soát được dịch bệnh tốt nên tạm thời TP cấm hoạt động trên tinh thần phòng dịch trên hết để bảo vệ an toàn cho người dân. Sau hội nghị, sở sẽ có văn bản chính thức công bố việc này, gửi đến các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 17 của TP về việc giãn cách xã hội”.

Hà Nội:
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện công bố các đối tượng tham gia giao thông được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. 

Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, người dân an tâm chống dịch

Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó trưởng BCĐ phòng, chống Covid-19 Hà Nội khẳng định: “Nội dung trong Chỉ thị 17 của UBND thành phố chưa thể bao quát hết các tình huống thực tế và chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện ngay các biện pháp phòng dịch. Những vấn đề người dân băn khoăn muốn làm rõ, thành phố sẽ trả lời nhanh nhất”. Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh, thành phố sẽ đồng hành, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cung cấp thông tin nhanh, chính xác nhất cho các cơ quan báo chí.

Sau khi nghe các đơn vị, lãnh đạo sở, ngành trao đổi, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang rất phức tạp. Thành phố đã tham khảo ý kiến các chuyên gia và quyết định ban hành Chỉ thị 17 về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

“Căn cứ diễn biến dịch bệnh ở TP, từ 27-4 đến nay đã có 675 ca mắc. Trong đó có 257 ca trong cộng đồng, nhiều F0 bị mất dấu, nguy cơ lây lan cao đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ hơn. Với tính chất Thủ đô là trung tâm của các nước, đầu mối giao thông trọng điểm, nếu không đảm bảo phòng dịch tốt sẽ tác động lớn với cả nước. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải bảo vệ thành trì, thành quả chống dịch của Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Hà Nội:
Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị. 

Theo lời Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thời gian qua, thành phố đã nỗ lực cố gắng lớn trong lãnh đạo chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện “Chỉ thị 15+” (sát với Chỉ thị 16 của Thủ tướng” các cơ quan, sở ngành đã chủ động xây dựng các kịch bản khác nhau. Thành phố cũng chỉ đạo diễn tập các phương án để luôn chủ động trong phòng, chống dịch với mọi tình huống. “Người dân đã rất ủng hộ, chia sẻ và cơ bản đã chấp hành tốt nên TP mới đạt được kết quả trên”, Phó bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về các vấn đề báo chí, dư luận quan tâm, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ dịch đã được thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng. Sở y tế đã chuẩn bị các phương án từ việc cách ly, điều trị tiêm chủng theo các mức độ dịch bệnh khác nhau. “Ngành y tế Thủ đô đảm bảo được công tác phòng chống dịch, điều trị, tiêm chủng trong các tình huống. Trang thiết bị, vật tư đến nhân lực đã được chuẩn bị kỹ càng. Người dân yên tâm bởi ngoài nguồn lực của TP Hà Nội còn có nguồn lực từ các cơ quan Trung ương, quân đội, công an, các cơ sở y tế tư nhân”, Phó bí thư Thành ủy nói.

Liên quan đến việc đảm bảo hàng hóa thiết yếu mà người dân rất quan tâm, từ kinh nghiệm thực hiện giãn cách xã hội từ năm 2020 và các địa phương thời gian qua, TP đã chủ động trong việc chuẩn bị các nguồn hàng, tính toán trước, có kế hoạch lưu thông phân phối; kiểm tra giám sát đảm bảo cung cấp hàng hóa bình ổn, không găm hàng, tăng giá.

Hà Nội:
 Quang cảnh hội nghị.

Về vận tải, phân luồng giao thông, ngành GTVT Thủ đô đã chủ động, điều chỉnh ở từng địa điểm, thời điểm khác nhau, đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để ùn tắc không chỉ cho Hà Nội mà các tỉnh thành phía Bắc gắn với kiểm soát dịch chặt chẽ, tạo điều kiện cung cấp hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động công vụ được thông suốt. Phó bí thư Thành ủy lưu ý, khi thực hiện giãn cách xã hội ít nhiều sẽ có tác động đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhất là nhóm yếu thế: Hộ nghèo, người lao động, khuyết tật…

“Căn cứ thực tiễn, ngoài chính sách chung của chính phủ, thành phố sẽ có thêm chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trên tinh thần: Chống dịch như chống giặc; lấy sức khỏe, sự an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu. Đề nghị lãnh đạo các địa phương nâng cao trách nhiệm trước tổ chức, nhân dân trong phòng, chống dịch; bám sát tình hình, có giải pháp kịp thời với từng tình huống thực tế; cần chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm để chống dịch tốt nhất. Các cơ quan báo chí đồng hành, bám sát thực tế, cổ súy cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chống dịch tốt, thẳng thắn góp ý, xây dựng với thành phố và các đơn vị”, đồng chí Nguyễn Văn Phong  yêu cầu.

TUẤN SƠN/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ha-noi-shipper-se-khong-duoc-phep-hoat-dong-theo-quy-dinh-gian-cach-xa-hoi-666338


  • Từ khóa