“Không quá một ngày làm việc” là yêu cầu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đối với BHXH các địa phương giải quyết các hồ sơ đề nghị giải quyết các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong công văn ra ngày 27/7 vừa qua.
Người lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tìm việc làm mới tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2, quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: ANH SƠN).
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị trong hệ thống phân công lãnh đạo, viên chức chủ động liên hệ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, để đôn đốc, hướng dẫn lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH giải quyết các chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; xác nhận các danh sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan; đối với các hồ sơ còn thiếu, có sai sót, phải chuyển lại ngay để đơn vị bổ sung, hoàn thiện.
Đây không phải văn bản đầu tiên, mà là văn bản thứ tư BHXH Việt Nam ban hành chỉ trong chưa đầy 20 ngày để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc BHXH các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch theo Nghị quyết số 68 và Quyết định 23. Trong đó, với tinh thần khẩn trương và nỗ lực cao nhất, văn bản đầu tiên của ngành được triển khai chỉ sau Quyết định 23 của Thủ tướng đúng một ngày. BHXH Việt Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo của ngành do một Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng ban để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Một hội nghị trực tuyến toàn quốc cũng đã được tổ chức, với sự tham gia của cơ quan BHXH ở cả ba cấp nhằm quán triệt việc thực hiện các chính sách này.
Về thủ tục, BHXH Việt Nam cũng quy định cụ thể quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định; chuẩn bị nguồn kinh phí chi trả để đơn vị sử dụng lao động kịp thời thực hiện chính sách duy trì việc làm cho người lao động.
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt nhất, dựa trên hệ thống dữ liệu quản lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành, chỉ trong 11 ngày kể từ khi Quyết định 23 của Thủ tướng được ban hành, BHXH tất cả các địa phương đã thực hiện xong việc gửi thông báo đến 375.335 đơn vị (với hơn 11 triệu lao động) thuộc diện được điều chỉnh mức đóng vào quỹ BH tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để các đơn vị chủ động phương án hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền điều chỉnh giảm tạm tính là khoảng 4.322 tỷ đồng. Đây cũng trở thành chính sách đầu tiên trong “gói hỗ trợ” lần này của Chính phủ đã được hoàn tất.
Cùng với đó, cơ quan BHXH đã xác nhận cho hơn 52 nghìn người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại gần 6.000 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở để UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ; triển khai tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho những đơn vị sử dụng lao động đầu tiên được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; tiếp nhận và xác nhận các danh sách liên quan để thực hiện các chính sách hỗ trợ khác... với thủ tục minh bạch, đơn giản nhất, trong thời gian nhanh nhất.
Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt của ngành BHXH không chỉ bảo đảm đúng nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng Chính phủ đã đề ra, góp phần đưa gói hỗ trợ của Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với người dân, doanh nghiệp và người lao động, mà còn tiếp tục thể hiện rõ tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ của ngành BHXH.
VIỆT ANH/nhandan.vn
https://nhandan.vn/bhxh-va-cuoc-song/nhanh-chong-dua-goi-ho-tro-vao-cuoc-song-657911/