Công tác "ngoại giao vắc-xin" giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc-xin, thuốc, thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Tin vui từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir được các doanh nghiệp Ấn Độ cam kết cung cấp cho Việt Nam trong 30 ngày tới.
Đàm phán từng giờ, từng phút
Đây là kết quả làm việc tích cực của "nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc-xin" của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ với các công ty dược phẩm lớn như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila...
Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã thành lập "nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc-xin". Nhóm này huy động Thương vụ, Phòng Chính trị, trong đó có cán bộ phụ trách kinh tế của Đại sứ quán, cùng Phòng khoa học công nghệ và lực lượng chủ chốt của Đại sứ quán vào cuộc đàm phán với các hãng dược phẩm Ấn Độ về việc cung cấp thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cán bộ và nhân viên của Đại sứ quán nỗ lực thực hiện 7 đến 10 buổi làm việc, cuộc gặp trực tuyến mỗi ngày, tranh thủ từng giờ từng phút với mong muốn các bệnh nhân sớm có thuốc điều trị để chuyển về.
Đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 8,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam VNVC vận chuyển đưa đi bảo quản vắc-xin AstraZeneca sau khi nhập về Ảnh: VNVC
Cũng theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Ấn Độ dịp cuối tháng 4 đầu tháng 5-2021, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng thuốc, sau đó được nới lỏng thành hạn chế xuất khẩu vào ngày 14-6 vừa qua. Để được xuất khẩu, doanh nghiệp cần hoàn thiện thủ tục tại Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ hoặc các văn phòng đặt tại các trung tâm kinh tế lớn. Nhờ những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Dược phẩm và Bộ Công Thương Ấn Độ khẳng định sẽ xem xét tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu để trước mắt đưa cơ số nói trên đến Việt Nam.
Trong lúc đó, vừa qua, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ chế COVAX đã tặng Việt Nam 5 triệu liều vắc-xin Moderna, đồng thời đang xem xét viện trợ thêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam trong thời gian tới. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định 5 triệu liều vắc-xin này nằm trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước/vùng lãnh thổ châu Á. Trong quá trình triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt công tác tìm kiếm, vận động nguồn cung vắc-xin cũng như trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo cấp cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan trong nước, được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ. Nhiều cá nhân, tổ chức người Việt tại Mỹ đã có những nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc thúc đẩy tiếp cận các nguồn vắc-xin, thuốc điều trị và vật tư y tế.
Tiếp tục nhận thêm vắc-xin từ nhiều nguồn
Theo Bộ Ngoại giao, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có những biến chuyển phức tạp, sự xuất hiện của những biến chủng mới với mức độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, Chính phủ Việt Nam đã xác định việc tiếp cận được nhiều nguồn vắc-xin và nhanh chóng tiêm chủng diện rộng là giải pháp quan trọng và cấp bách. Trên cơ sở đó, công tác "ngoại giao vắc-xin" đã được triển khai rất quyết liệt, khẩn trương với sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành.
Điều đáng mừng là công tác "ngoại giao vắc-xin" trong những tháng qua đã đạt được những kết quả quan trọng rất đáng khích lệ. Mặc dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc-xin phòng chống Covid-19 trên toàn cầu, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác, các nước láng giềng và bạn bè quốc tế với tổng cam kết 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ. Các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vắc-xin cho Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, cán bộ nhiều cấp của Việt Nam thời gian qua đã gõ từng cánh cửa tìm từng liều vắc-xin cho đất nước. Trong bối cảnh khan hiếm trầm trọng vắc-xin trên toàn cầu, việc đạt được thỏa thuận cung ứng đã khó, nhưng bằng nhiều nỗ lực, Việt Nam đã vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vắc-xin cho Việt Nam và đẩy nhanh thời gian chuyển giao vắc-xin cho Việt Nam.
Trên cơ sở vận động và đàm phán tích cực, quyết liệt, thời gian qua, số lượng vắc-xin Việt Nam tiếp nhận đã tăng lên đáng kể. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 17,5 triệu vắc-xin Covid-19 từ nhiều nguồn, sắp tới sẽ tiếp tục nhận thêm từ các nguồn đã đàm phán mà các nước và hãng sản xuất đồng ý chuyển giao sớm cho nước ta cũng như từ các nguồn hỗ trợ của các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế.
Dương Ngọc/nd.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/tong-cam-ket-150-trieu-lieu-vac-xin-20210804225404158.htm