Ngày 9/8, Hà Nội lên phương án xét nghiệm diện rộng, siết chặt việc đi lại

Thứ 3, 10.08.2021 | 08:10:39
736 lượt xem

Ngày 9/8, cả nước ghi nhận 9.340 ca nhiễm mới, trong đó Hà Nội có 78 trường hợp.

Tối 9/8, Hà Nội ghi nhận thêm 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Trong 22 ca dương tính mới có 9 ca tại khu cách ly, 13 ca tại cộng đồng. Số F0 mới ghi nhận ở 4 chùm ca bệnh: ho, sốt thứ phát (19); liên quan nhà thuốc 95 Láng Hạ (một); sàng lọc ho, sốt (một); Tân Mai, Hoàng Mai (một).

Cụ thể các ca dương tính mới ghi nhận như sau:

Một bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt

Bệnh nhân là Đ.C.C., nam, sinh năm 1988, địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, ngày 5/8 xuất hiện sốt, đau họng. Ngày 8/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Một bệnh nhân thuộc chùm nhà thuốc 95 Láng Hạ

Bệnh nhân là N.Đ.P., nam, sinh năm 1955, địa chỉ tại Láng Hạ, Đống Đa, là F1 của bệnh nhân N.T.C., đã được cách ly tập trung từ ngày 25/7, xét nghiệm âm tính. Ngày 8/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Một bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai

Bệnh nhân là T.B.C., nam, sinh năm 1963, địa chỉ tại Mai Hắc Đế, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, là F1 của bệnh nhân Đ.Q.H. cách ly ngày 23/7. Ngày 8/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

19 bệnh nhân thuộc chùm ho, sốt thứ phát

Các ca dương tính SARS-CoV-2 có địa chỉ tại: Thanh Trì (2 ca), Ứng Hòa (một ca), Nam Từ Liêm (một ca), Long Biên (một ca), Hai Bà Trưng (một ca), Hoàng Mai (một ca), Đống Đa (6 ca), Đan Phượng (một ca), Cầu Giấy (một ca), Bắc Từ Liêm (2 ca), Ba Đình (một ca) và một trường hợp làm việc và ở tại công trường xây dựng Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội có 1.853 trường hợp dương tính, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.095 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 758 ca.

Siết việc đi lại, nêu rõ những loại giấy dân cần có khi ra đường

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký, ban hành văn bản gửi các cơ quan liên quan trên địa bàn toàn thành phố về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.

Động thái này được Hà Nội cho biết nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố đến 6h ngày 23/8.

Ngày 9/8, Hà Nội lên phương án xét nghiệm diện rộng, siết chặt việc đi lại - 1

Hà Nội yêu cầu người đi đường phải được cấp, xuất trình được nhiều loại giấy tờ liên quan để có thể di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh minh họa: Nguyễn Trường).

Nội dung văn bản thể hiện, ngày 29/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản quy định về mẫu Giấy đi đường và các giấy tờ cần thiết khác. Trong thời gian này, cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định của thành phố.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho biết, vẫn còn nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm giãn cách. Những điều này đã ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.

Vì vậy, Hà Nội đề nghị ngoài Giấy đi đường, người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Xem thêm tại đây.

Lên phương án 8.000 giường điều trị Covid-19, xét nghiệm diện rộng

Theo kế hoạch, trong 7 ngày từ 10-17/8, lực lượng chức năng sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho những đối tượng nguy cơ cao và khu vực nguy cơ cao.

Mục tiêu xét nghiệm lần này nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh trong các khu vực nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và lây lan bệnh để chống dịch kịp thời và đánh giá nhận định tình hình dịch trên địa bàn toàn thành phố. Đồng thời, đảm bảo giãn cách, không tụ tập đông người, không lây lan dịch bệnh trong khi thực hiện lấy mẫu.

Ngày 9/8, Hà Nội lên phương án xét nghiệm diện rộng, siết chặt việc đi lại - 2

Hà Nội sẽ xét nghiệm diện rộng cho người có nguy cơ cao và người trong khu vực nguy cơ cao (Ảnh minh họa).

Đối tượng lấy mẫu bao gồm: người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao (thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân phố), nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh: người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng với các quận, huyện đánh giá nguy cơ ở các địa bàn chia theo 3 khu vực: khu vực đỏ (nguy cơ cao nhất trong vùng phong tỏa), khu vực vàng (nguy cơ cao) và khu vực khác (có nguy cơ). 

Dự kiến số lượng mẫu khu vực nguy cơ là 186.000, số lượng người nguy cơ là 114.000, tổng số lượng mẫu từng đơn vị là 300.000. Xem thêm tại đây.

Những khu vực nào tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp?

Tính từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.562 ca dương tính SARS-CoV-2 mới với 12 chùm ca bệnh. Đáng chú ý, số F0 phát hiện qua xét nghiệm người ho, sốt và trường hợp liên quan gia tăng nhanh.

Trao đổi với Dân trí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, tại Hà Nội mầm bệnh vẫn đang rải rác ở cộng đồng.

Ngày 9/8, Hà Nội lên phương án xét nghiệm diện rộng, siết chặt việc đi lại - 3

Hà Nội đang tăng cường xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao (Ảnh minh họa).

"Vẫn còn các ca bệnh trong cộng đồng phải xét nghiệm mới có thể phát hiện được chứ không có yếu tố dịch tễ. Từ thực tế này, đòi hỏi ngành y tế phải tăng cường công tác xét nghiệm, tăng cường khai báo của người dân thì mới có thể phát hiện hết các F0", ông Tuấn cho hay.

Nhận định về diễn biến dịch, theo ông Tuấn, lượng bệnh nhân ghi nhận mới có xu hướng đi ngang, không gia tăng hẳn, cũng không giảm hẳn. Trong thời gian tới chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, thỉnh thoảng vẫn có thể có các ổ dịch mới bùng lên, đây là yếu tố nguy cơ.

Theo ông Tuấn, ổ dịch liên quan đến công ty thực phẩm Thanh Nga không quá phức tạp. Dịch chủ yếu gói gọn trong công ty, dù có lây ra cộng đồng nhưng đều đã khoanh vùng được.

Tuy nhiên, có nhiều địa bàn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như: Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa. Đây đều là những nơi trọng điểm, nhiều bệnh nhân nhất và nguy cơ nhất.


Thế Anh/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ngay-98-ha-noi-len-phuong-an-xet-nghiem-dien-rong-siet-chat-viec-di-lai-20210809191320147.htm

  • Từ khóa