Hàng loạt các bến xe khách trên địa bàn tỉnh chỉ khai thác dưới 30% công suất; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách tuyến cố định xin ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng kéo theo doanh thu giảm tới 80-90%… Đó là những khó khăn mà lĩnh vực vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh đang gặp phải bởi tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, lĩnh vực vận tải hành khách đang rất cần những giải pháp hỗ trợ để bảo toàn tài sản, sẵn sàng phát triển khi dịch bệnh
Theo thống kê, Sở Giao thông – Vận tải đang quản lý 23 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với 285 phương tiện. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 8/2021, đã có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã (với 260 đầu xe) xin nghỉ hoặc ngừng hoạt động.
Bến xe phía Bắc thưa vắng do số lượng hành khách đi lại sụt giảm nghiêm trọng
Tại bến xe phía Bắc thành phố Lạng Sơn, bến xe khách lớn nhất tỉnh do Công ty Cổ phần Sao Vàng quản lý, khi chưa xảy ra dịch COVID-19 có khoảng 80 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với khoảng 370 đầu xe vận tải hành khách đi 30 tỉnh, thành phố. Từ khi xuất hiện dịch COVID-19, số xe tạm ngừng hoạt động tại bến liên tục giảm, đến giữa tháng 8/2021, có 50 doanh nghiệp, hợp tác xã với 278 xe xin ngừng khai thác tại bến, giảm đến 75% số lượng đầu xe.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, tình trạng sản xuất kinh doanh còn bết bát hơn, qua thực tế khảo sát có tới 80% số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách giảm doanh thu từ 75% trở lên.
Bà Hoàng Thị Loan, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Duy Long, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hợp tác xã có 26 đầu xe kinh doanh vận tải hành khách đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ và một số tỉnh khác, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, HTX đã phải ngừng hoạt động 15/26 đầu xe. Số phương tiện vận tải còn lại đang duy trì hoạt động nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do hành khách thưa vắng trong khi chi phí như: xăng dầu, bến bãi, phí đường bộ vẫn phải đóng góp đầy đủ, dẫn đến thu không đủ chi.
Bà Loan cho biết thêm: Để một đầu xe hoạt động, mỗi tháng, riêng chi phí bến bãi của hai đầu tuyến và chi phí vé tháng qua các trạm thu phí đã mất khoảng 10 triệu đồng, ngoài ra còn các chi phí hằng ngày như: xăng dầu, tiền công lái xe…
Không chỉ Hợp tác xã vận tải Duy Long, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách cũng gặp khó khăn tương tự.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách, nhiều tổ chức tín dụng đã giãn nợ; khoanh nợ cho các doanh nghiệp; các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi thực hiện ngừng thu phí dịch vụ để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.
Theo đó, 9/9 bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã ngừng thu phí cung cấp dịch vụ khai thác tại bến xe đối với các doanh nghiệp xin ngừng hoạt động. Riêng bến xe phía Bắc, từ đầu năm 2021 đến nay đã ngừng thu phí cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã với 278 đầu xe cho đến khi các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trở lại.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng đã thực hiện gia hạn nộp thuế cho 25 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến bãi từ tháng 4/2021 đến nay với tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng.
Đối với các tổ chức tín dụng, có hai ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho 18 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và giảm 10% so với mức lãi suất đang áp dụng trên tổng dư nợ 355 tỷ đồng. Trong đó, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn đã cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giảm 10% lãi suất cho 16 khách hàng (với tổng số 110 đầu xe vận tải hành khách) với tổng dư nợ 345 tỷ đồng.
Ngoài các giải pháp trên, để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách nói riêng và các doanh nghiệp vận tải nói chung trong bối cảnh hiện nay, các ngành liên quan cũng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tính toán để có phương án kéo dài thời gian khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay mua phương tiện kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải… Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách sẽ giảm bớt khó khăn, sẵn sàng thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được đẩy lùi
TRANG NINH/baolangson.vn