Ngày 30/11, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8749/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
Facebook Email Bản in +
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường An Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: THANH TÂM
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Chỉ đạo các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tăng cường biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.
Ngày 30/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có buổi làm việc với đại diện của WHO tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á và Chương trình An ninh y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến thể Omicron. Bộ trưởng Y tế đã nêu ba vấn đề cần trao đổi gồm: Các giải pháp ứng phó trong phòng, chống dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron; công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, trong đó có tiêm cho trẻ em; vấn đề điều trị, giảm tử vong ở bệnh nhân Covid-19.
Tại buổi làm việc, WHO và CDC đều nhấn mạnh đến bốn yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó biến thể Omicron, bao gồm: tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến thể mới; đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vắc-xin phòng Covid-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi ca bệnh tăng cao; đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gien các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến thể mới... Lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện tổ chức quốc tế đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gien các ca bệnh Covid-19 để có thêm thông tin, cùng tìm phương pháp ứng phó.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký quyết định phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và 10 tỉnh phía nam. Theo quyết định, các bệnh viện: Chợ Rẫy, T.Ư Huế, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Thống Nhất, Đại học Y Hà Nội, Phổi T.Ư, Lão khoa T.Ư, Đa khoa T.Ư Thái Nguyên, Hữu Nghị, Nội tiết T.Ư, Nhi T.Ư, Bạch Mai, K, E sẽ hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế thuộc các tỉnh, thành phố, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang.
Ngày 30/11, Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, dự kiến có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi được tiêm với số liều vắc-xin sử dụng khoảng 18 triệu liều. Đến nay, có 36 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, với số liều vắc-xin đã tiêm được là 3.657.604 liều, trong đó có 2.969.643 liều mũi một và 687.961 liều mũi hai. Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, thành phố đã ghi nhận 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có ba trường hợp tai biến nặng sau tiêm được ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có hai trường hợp tử vong. Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của hai trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV; không liên quan vắc-xin và thực hành tiêm chủng.
Ngày 30/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.972 ca nhiễm mới, gồm sáu ca nhập cảnh và 13.966 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố. TP Hồ Chí Minh vẫn có số ca mắc nhiều nhất 1.497 ca. Trong ngày cũng có 14.624 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 197 ca tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Hiện có hai tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn, Lai Châu.
Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết: Với vắc-xin Pfizer, từ ngày 22/8, đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và từ ngày 10/9, được Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA), thông qua hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu và được sử dụng cho tất cả các đối tượng, bao gồm trẻ từ 12 tuổi trở lên; đồng thời việc gia hạn cũng đã được kiểm định khắt khe và bảo đảm chất lượng an toàn, hiệu quả. Các lô vắc-xin Pfizer có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng sau thời gian FDA và EMA phê duyệt. Trên cơ sở kết luận của FDA và EMA, ngày 30/9, Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc của Việt Nam đã chính thức thông qua kéo dài hạn sử dụng đối với vắc-xin của Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng; ngày 22/10, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản đồng ý. Theo đó, các lô vắc-xin Pfizer được nhập về Việt Nam sau ngày 22/10 với hạn dùng 6 tháng in trên nhãn thì tự động tăng thêm 3 tháng. Như vậy, đối với hai lô vắc-xin Pfizer 124001 và 123002 nhập về Việt Nam, sẽ có hạn dùng thêm 3 tháng.
Theo nhandan.vn