Lạng Sơn: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ 5, 02.12.2021 | 08:06:32
946 lượt xem

LSTV - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Do đó, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Lạng Sơn là tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, bão lụt, hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế - xã hội, sản xuất cũng như đời sống của người dân trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm ha lúa, rau màu, cây trồng lâu năm cùng hàng nghìn ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là hằng năm là nhiều tỷ đồng…

Mưa đá xảy ra cuối tháng 1/2020 đã gây thiệt hại lớn về nhà ở, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân Lạng Sơn. 

Diễn biến yếu tố khí hậu thể hiện chính nhiệt độ và lượng mưa, theo số liệu thống kê về nhiệt độ và lượng mưa của Tổng cục khí tượng thủy văn thì tần suất xuất hiện của nắng nóng và hạn hán tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn thấp, nhưng tác hại của nó cũng rất nặng nề, tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi vùng Đông Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài. Ngoài ra, hàng năm cũng hay xảy ra một số trận mưa đá, gây thiệt hại cho canh tác nông nghiệp. 

Chính từ đó xảy ra các hiện tượng lũ quét, sạt lở trên địa bàn, nhất là ở vùng đồi núi cao, dốc. Các cộng đồng dân cư ở đây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nhiệt độ trong thời gian tới sẽ gia tăng. Các yếu tố cực đoan về thời tiết sẽ xuất hiện như mưa lớn, rét đậm rét hại và mưa đá, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Mưa to, gió lớn, lốc xoáy đã làm tốc nhiều mái nhà, gây ảnh tới đời sống của người dân

Để chủ động phòng chống thiên tai, Sở TN&MT Lạng Sơn đã công bố kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Lạng Sơn với mục tiêu chung là tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu cho tỉnh, phòng tránh và giảm thiểu những hiểm hoạ do thiên tai, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Kế hoạch hành động thể hiện rõ danh mục 3 nhiệm vụ với 21 dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050[1].

Kế hoạch được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 2021 - 2025 các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành, lĩnh vực của mình; kiện toàn ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục công tác rà soát, kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, tài liệu kỹ thuật để đào tạo, tập huấn về biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu cho tỉnh; đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương, xác định nhu cầu tăng cường năng lực thích ứng và các giải pháp cho các tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến biến đổi khí hậu cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, góp phần vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả.

Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đồng thời triển khai thực hiện việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân thay đổi khung thời vụ gieo trồng để tránh những đợt rét đậm, rét hại khi gieo cấy và mưa lũ khi thu hoạch; hướng dẫn người dân chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế chăn thả, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc… Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích người dân tăng cường trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nhằm góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, giúp giữ được nước, phòng chống lũ quét, sạt lở…

Để chủ động ứng phó trực tiếp với các tình huống có thể xảy ra, mỗi địa phương, mỗi ngành cần xây dựng các phương án phòng, chống theo nhiều cấp độ, từ tình huống ít nguy hiểm đến tình huống nguy hiểm nhất, gắn với đặc điểm và điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực. Các phương án này cần được phổ biến rộng rãi, thường xuyên đến tất cả mọi người dân trong vùng. Khi xảy ra tình huống khẩn cấp, chỉ cần thông báo phương án áp dụng. Nếu làm tốt công tác này sẽ giảm thiểu được nhiều thiệt hại, nhất là về sinh mạng con người.

[1].Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 30/6/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nguồn: Nhiệm vụ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

  • Từ khóa