Dịch Covid-19 leo thang tại nhiều tỉnh thành phía Bắc trong vài tháng trở lại đây, kéo theo đó là áp lực của lực lượng điều trị, đặc biệt là tại nơi giành giật sự sống cho các bệnh nhân nguy kịch.
Áp lực tại nơi điều trị gần 80 ca Covid-19 nặng
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ nhiều tuần qua đã phải hoạt động tối đa công suất vì số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh.
ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, lượng bệnh nhân nặng mà khoa tiếp nhận gia tăng từ một tháng trở lại đây. Đáng chú ý, trong 2 tuần gần đây, số lượng này tăng lên gấp đôi và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
ThS.BS Trần Văn Bắc (bên phải) đang điều trị F0.
"Chúng tôi có nhiệm vụ tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, có nhiều bệnh nền. Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 10 bệnh nhân. Toàn bộ khoa đang điều trị cho tổng cộng gần 80 bệnh nhân", BS Bắc cho hay.
Theo BS Bắc, áp lực hiện tại không chỉ đến từ việc gia tăng số lượng bệnh nhân mà còn đến từ sự gia tăng khối lượng công việc chăm sóc cho từng bệnh nhân.
"So với trước, các bệnh nhân có tình trạng nặng đến nguy kịch nhiều hơn, mặt bằng tuổi cao hơn. Các bệnh nhân có xu hướng phải nằm điều trị tích cực cũng gia tăng so với trước", BS Bắc phân tích.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ nhiều tuần qua đã phải hoạt động tối đa công suất vì số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh.
Các bệnh nhân nhập viện điều trị trong giai đoạn vừa qua đa phần trên 60 tuổi, trong đó, F0 trên 80 tuổi chiếm khoảng 30 - 40%. Nhiều bệnh nhân đi kèm các bệnh nền nặng như suy thận mạn tính, cao huyết áp, HIV, xơ gan… và chủ yếu đều chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi.
"Hiện các bệnh nhân đang được điều trị từ oxy cho đến thở máy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải điều trị bệnh nền có sẵn của các bệnh nhân. Do đó, khối lượng chăm sóc tăng lên rất nhiều", BS Bắc nói.
Đa phần các bệnh nhân là người cao tuổi.
Các bệnh nhân nặng nhất tại Khoa Cấp cứu chủ yếu rơi vào nhóm lớn tuổi. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân hơn 90 tuổi, bị tai biến nhiều lần, lú lẫn không may nhiễm Covid-19 phải thở máy thì tiên lượng sẽ xấu hơn rất nhiều.
"Trường hợp nặng nhất mà chúng tôi đang tiếp nhận điều trị là một bệnh nhân 95 tuổi, phải nằm liệt giường, hiện đang phải thở máy. Với trường hợp này tiên lượng là rất khó khăn", BS Bắc nói.
Gấp rút chuẩn bị 500 giường ICU
Khoa Cấp cứu hiện có 9 bác sĩ để điều trị cho gần 80 bệnh nhân. Bên cạnh đó, khoa cũng bố trí 7 điều dưỡng mỗi ca trực, mỗi ngày có 3 ca với 4 kíp điều dưỡng.
Các bệnh nhân có nhiều bệnh nền phức tạp nên khối lượng đầu việc chăm sóc, điều trị cũng gia tăng.
Theo BS Bắc, hiện áp lực công việc đối với lực lượng chăm sóc, điều trị tại khoa là rất lớn. Một phần áp lực đến từ việc hầu hết các bệnh nhân không thể tự phục vụ. Ngay cả với những bệnh nhân dù còn tỉnh táo nhưng do tình trạng bệnh nặng dẫn đến hoạt động, sinh hoạt, vận động rất khó, hầu như không rời oxy được. Do đó, nhân viên y tế phải làm mọi việc từ cho ăn cho đến thay bỉm, vệ sinh liên tục.
BS Bắc cho hay: "Tất cả nhu cầu đó đều đòi hỏi con người. Do đó, khối lượng công việc sẽ gia tăng. Bệnh viện cũng đang có kế hoạch về nhân lực để có sự bổ sung phù hợp".
Cấp cứu cho một bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hiện tại, bệnh viện cũng đã có một đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng mới hoạt động tại tầng 3, giúp giảm tải bớt bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu. Tiến tới, bệnh viện tiếp tục thành lập các đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng khác, vì số lượng bệnh nhân nặng có xu hướng ngày càng tăng.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện cơ sở này đang tiếp nhận điều trị cho 500 bệnh nhân Covid-19, trong số này có gần 100 bệnh nhân tổn thương phổi nặng phải thở oxy từ HFNC (oxy dòng cao) trở lên đến thở máy và ECMO.
"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng được Bộ Y tế giao triển khai 500 giường hồi sức tích cực. Chúng tôi đang nỗ lực triển khai cải tạo hạ tầng, sắp xếp nhân lực và bổ sung thiết bị để đáp ứng phương án này", BS Cấp cho hay.
Về vấn đề nhân lực, bác sĩ Cấp cho biết trước đây, việc can thiệp thở máy tại bệnh viện chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên hiện nay, y bác sĩ của tất cả khoa phòng còn lại cũng làm việc luân phiên tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, dưới sự giám sát kỹ lưỡng. Mục tiêu là khi 500 giường ICU đi vào hoạt động, nhóm y bác sĩ này đều có thể cho bệnh nhân thở máy.
Theo dantri.com.vn