LSTV - Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng tại Hội nghị COP 26, như cam kết không xây dựng mới điện than, cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu...
Hình ảnh (dangcongsan.vn). Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì hội thảo chiều 7/12 về công bố kết quả họi nghị COP 26
CAM KẾT PHÁT THẢI BẰNG “0” VÀO NĂM 2050
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, tại COP26, lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái. Lãnh đạo các quốc gia đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc tham gia chuyển đổi kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng tại COP 26, như cam kết không xây dựng mới điện than, cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu... Một trong những phát biểu được đánh giá cao tại COP26 chính là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050[1].
“Đây là những cam kết có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hòa cùng với xu thế chung của nhân loại và xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải”, Bộ trưởng thông tin.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward đã giới thiệu về những thành quả quan trọng của COP26, nổi bật nhất là Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow với sự tham gia của gần 200 quốc gia cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hành động vì khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1.5 độ C. Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow được thông qua đã đánh dấu kết quả sau 6 năm đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu[1].
Với Glasgow, 147 quốc gia đưa ra cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Có 25 quốc gia và nhiều định chế tài chính Tuyên bố chung dừng sử dụng nguồn lực công hỗ trợ phát triể điện than từ năm 2022. Có 46 quốc gia (trong đó có Việt Nam) và 26 công ty toàn cầu ủng hộ tuyên bố chuyển đổi toàn cầu từ than sang năng lượng sạch. Có 22 quốc gia ký cam kết sản xuất 100% xe mới chạy bằng nguyên liệu không phát thải (chủ yếu là phát triển xe điện) từ năm 2035. Về rừng và sử dụng đất, có 141 quốc gia gồm cả Việt Nam tham gia cam kết không khai thác gỗ từ rừng từ năm 2030. Việt Nam cùng 102 quốc gia khác cũng đã tham gia cam kết giảm phát thải ít nhất 30% khí mê tan toàn cầu vào năm 2030[1].
VIỆT NAM ĐI TIÊN PHONG TRONG HÀNH ĐỘNG
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu”.
Bà Caitlin Wiesen khuyến cáo, đã đến lúc phải điều chỉnh lại các chính sách, khung pháp lý, chiến lược, kế hoạch, đầu tư để đạt được những mục tiêu mới này. Mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ. “UNDP cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương, để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh 2030.
Để thực thi những cam kết COP26, theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu, các hành động triển khai sẽ được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp lý như" Ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
TỈNH LẠNG SƠN
Trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn cần đầu tư nguồn lực để cùng cả nước thực hiện cam kết của Việt Nam đến năm 2050 phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và giảm phát thải 30% khí metal vào năm 2030:
- Xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;
- Thực hiện nghiêm túc kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường;
- Triển khai các hoạt động phát triển thị trường carbon;
- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát thải khí nhà kính thấp, thay thế công nghệ lạc hậu phát thải khí nhà kính cao.
[1]. Cục biến đổi khí hậu dcc.gov.vn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nguồn tổng hợp: Nhiệm vụ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.