Lạng Sơn cần chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng

Thứ 5, 16.12.2021 | 09:16:27
290 lượt xem

LSTV - Trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống và mối đe dọa của biến đổi khí hậu hiện nay, thế giới đang tìm những lối đi mới, tiến đến một nền kinh tế xanh, một nền kinh tế "năng lượng xanh".

Tiết kiệm là nguyên lý, nguyên tắc hàng đầu của bất kỳ sự tăng trưởng, phát triển nói chung và tiêu dùng nói riêng, dù đó là tiêu dùng sản xuất hay tiêu dùng cá nhân. Tiết kiệm năng lượng là rất quan trọng bởi nó (năng lượng) không chỉ là đầu vào trong tiêu dùng mà còn liên quan tới giới hạn về nguồn cung nguyên liệu để tạo ra năng lượng và đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay còn là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính – tác nhân chính làm biến đổi khí hậu.

Điện năng mà con người hiện đang sử dụng được chia thành ba loại: nhiệt điện, thủy điện, và điện năng khác (điện nguyên tử, phong điện hay điện gió, địa nhiệt, …). Nhiệt điện được sản xuất ra chủ yếu là từ nguồn nguyên liệu thuộc loại không tái tạo với trữ lượng hữu hạn (than, dầu, khí); thủy điện được sản xuất ra chủ yếu là từ thế năng của nguồn nước và cũng là giới hạn.

Còn điện năng khác từ nguồn cung không hoặc ít có giới hạn (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, nguyên tử, …) hiện chiếm tỷ lệ không nhiều (vài phần trăm trong cơ cấu điện năng của thế giới).

Điều đáng chú ý là trong sản xuất nhiệt điện và thủy điện đều có phát thải khí nhà kính trực tiếp (từ quá trình đốt cháy nhiên liệu) hay gián tiếp (phá rừng để xây nhà máy thủy điện có nghĩa là làm mất phần lưu trữ khí các bon của rừng) mà theo kết luận của các nhà khoa học quốc tế là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Do điện năng mà con người hiện đang và sẽ còn tiếp tục sử dụng trong nhiều năm nữa là nhiệt điện và thủy điện nên tiết kiệm điện năng cũng có nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính.  

Nhân viên Điện lực thành phố Lạng Sơn tuyên truyền tiết kiệm điện tại phòng giao dịch

Tiết kiệm năng lượng bao hàm không chỉ về lượng mà cả về chất, tức là về hiệu quả sử dụng năng lượng. Về kinh tế, như đã biết, mọi hoạt động của con người hiện đại đều cần tới năng lượng. Năng lượng là đầu vào của mọi hoạt động kinh tế. 

Tiêu dùng năng lượng là một chỉ báo quốc gia quan trọng về tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mức tiêu dùng năng lượng (tính trên GDP hay đầu người) là một thước đo quan trọng về hiệu quả sản xuất.

Thậm chí mức tiêu hao năng lượng của một sản phẩm tiêu dùng trở thành tiêu chí quan trọng hàng đầu về năng lực cạnh tranh của sản phẩm (thí dụ như ô tô, xe máy, máy tính, điện thoại di động, …). Tiết kiệm năng lượng xét về mặt kinh tế có nghĩa là tiết giảm tiêu dùng năng lượng để sản xuất (hay tiêu dùng) một đơn vị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (hay công suất thiết bị).

Tiết kiệm năng lượng là giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm hàng hóa. Tiết kiệm điện năng cũng đồng thời đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững bởi vì, theo quan niệm chung, nền kinh tế xanh là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.

Tiếp cận kinh tế xanh không thay thế cho phát triển bền vững mà là một cách thức thực hiện phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ tài nguyên và môi trường.  

Về tài nguyên và môi trường, năng lượng cho cuộc sống hiện đại được sản xuất chủ yếu từ nguồn cung là tự nhiên và thuộc loại không tái tạo, có giới hạn với cảnh báo cao về nguy cơ đang dần cạn kiệt. Do vậy, tiết kiệm năng lượng xét về mặt tài nguyên, môi trường có nghĩa là gia tăng cơ hội cung cấp năng lượng từ tự nhiên, giảm bớt nguy cơ đe dọa về sự cạn kiệt và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này cũng gắn với đảm bảo an ninh năng lượng hiện được coi là một dạng an ninh mới có tên gọi là an ninh phi truyền thống và là một trong các mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia cả trong đối nội và cả trong đối ngoại, thậm chí còn là nguyên do quan trọng của không ít những tranh chấp lẫn hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh ấy thì đương nhiên tiết kiệm năng lượng là một giải pháp chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng. [1]. 

Theo Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, một trong những nhiệm vụ ưu tiên được liệt kê trong danh mục các nhiệm vụ ưu tiên ứng phó với BĐKH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 là “Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tỉnh Lạng Sơn” với các mục tiêu chính được đề cập bao gồm. [2]: 

(1) Hiện trạng của các lĩnh vực sử dụng năng lượng tại tỉnh Lạng Sơn;

(2) Nghiên cứu đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tỉnh Lạng Sơn;

(3) Dự báo biến động của các nguồn năng lượng trong tương lai

(4) Dự báo tác động của biến đổi khí hậu tới các lĩnh vực sử dụng năng lượng tại tỉnh Lạng Sơn trong tương lai;

(5) Đảm bảo các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn, hạn chế phát thải khí nhà kính;

(6) Phát triển nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch, xây dựng lộ trình chuyển đổi thói quen sử dụng năng lượng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

[1].Báo Năng lượng Việt Nam

[2].Báo cáo tổng hợp Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Lạng Sơn).

Nguồn tổng hợp: Nhiệm vụ Tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Từ khóa