Triều cường cao tại TPHCM xuất hiện vào buổi sáng sớm và chiều tối. Việc triều cường xuất hiện cùng lúc học sinh đến trường, người dân đi làm, khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, gây cảnh ùn tắc.
Trong một vài ngày qua, TPHCM chịu ảnh hưởng bởi thủy triều dâng khiến mực nước khu vực ven sông dâng cao. Hiện tượng ngập úng đã gây ảnh hưởng đến đời sống và việc đi lại của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, các hoạt động buôn bán, sinh hoạt của người dân trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) - nơi có một nhánh sông Sài Gòn đi qua - đã gặp nhiều bất tiện vào buổi chiều tối, thời điểm đỉnh chiều xuất hiện. Các hàng quán trên tuyến đường vắng khách, người dân phải chống ngập bằng cách che chắn thủ công.
Triều cường dâng cao khiến cuộc sống, việc đi lại của người dân một số khu vực tại TPHCM bị ảnh hưởng (Ảnh: Ip Thiên).
"Ba hôm vừa rồi, ngày nào nước cũng ngập, tôi bán ế lắm, không có shipper vô. Khách hàng tới cũng không vào được, phải đứng bên kia đường tránh ngập để gọi tôi đem hàng ra", bà Phan Thị Trung Trực, một người bán quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn, chia sẻ.
Tiểu thương trên đường Trần Xuân Soạn đã quen với cảnh ngập nước trong nhiều năm. Theo lời kể của họ, nửa tháng một lần, triều cường lại xuất hiện tại đây khiến tình trạng xe chết máy, người ngã liên tục bởi dòng nước.
Thời điểm này hàng năm, triều cường tác động mạnh khiến gạo để trong nhà người dân cũng bị nước làm hỏng.
Triều cường tại TPHCM xuất hiện vào buổi sáng sớm và chiều tối (Ảnh: Ip Thiên).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng Dự báo - Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết, TPHCM là khu vực rất nhạy cảm với các yếu tố khí tượng thủy văn. Việc ngập lụt khi có mưa lớn, triều lên cao xảy ra thường xuyên một phần bởi diện tích địa bàn phần lớn có địa hình thấp.
Triều cường cao tại thành phố xuất hiện vào buổi sáng sớm và chiều tối. Việc xuất hiện cùng lúc học sinh đến trường, cán bộ, công nhân viên chức đi làm khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.
Vị chuyên gia khí tượng phân tích thêm, TPHCM có 2 kỳ nước lớn hàng tháng, xuất hiện vào ngày rằm và cuối tháng âm lịch. Chính quyền địa phương và người dân cần chủ động tiếp nhận thông tin cảnh báo, dự báo sớm về các đợt triều cường nhằm đưa ra biện pháp phòng tránh.
"Trước các đợt triều cường từ 5-7 ngày, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ đều đưa ra bản tin cảnh báo triều cường, độ cao mực nước, thời gian xuất hiện. Đài cũng tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về triều cường và tác động của triều cường tại khu vực", ông Nguyễn Kiệt đưa ra lời khuyên.
Người dân trên đường Trần Xuân Soạn lại chống ngập bằng cách thủ công mỗi mùa nước lên (Ảnh: Ip Thiên).
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động lên phương án bảo vệ các tuyến đê bao xung yếu, cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao, đảm bảo hệ thống thoát nước nhanh, phân luồng giao thông tại những khu vực ngập úng. Các biện pháp trên nhằm hạn chế tới mức tối thiểu rủi ro cho tính mạng, tài sản của người dân.
Trưởng phòng Dự báo - Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, thông tin thêm, những tháng cuối năm là khoảng thời gian triều cường lên cao theo chu kỳ, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh đẩy triều vào sâu trong đất liền. Người dân cần chú ý việc di chuyển trên các tuyến đường ngập cao và kê cao các thiết bị điện, điện tử để tránh cháy, nổ, nguy hiểm đến tính mạng khi nước dâng vào nhà.
Hoàng Giang/dantri.com.vn