Mùa xuân đến, vùng đất biên cương Xứ Lạng càng đẹp hơn bởi sắc màu rực rỡ của trang phục truyền thống dân tộc. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, thời gian qua, trang phục truyền thống dân tộc đang dần mai một. Trước thực tế đó, các cấp, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để hiểu rõ hơn về nét đặc sắc của trang phục truyền thống các dân tộc Xứ Lạng, chúng tôi tìm gặp bà Ấu Thị Nga Sơn, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh. Tiếp chúng tôi bên chén trà ấm đầu xuân, bà cho biết: Trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử… Mỗi trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó.
Người Dao Thanh Y, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập trao truyền kỹ thuật thêu truyền thống
Tại Lạng Sơn hiện có 7 dân tộc chính: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông và Sán Chay. Những trang phục truyền thống đã cùng hòa quyện tạo nên bức tranh nghệ thuật dân gian đặc sắc của Xứ Lạng. Mỗi dân tộc có cách trang trí, sử dụng trang phục theo những đặc điểm văn hóa riêng. Chẳng hạn người Tày với màu chàm đặc trưng; người Nùng Phàn Slình có những đường chỉ nổi màu vàng, xanh nõn chuối được thêu sặc sỡ phần cổ và vạt áo; trang phục của người Nùng Cháo được thêu với phần chỉ chìm trên nền chàm. Trang phục của bốn nhóm người Dao gồm: Thanh Y, Lù Gang, Lù Đạng và Dao Đỏ đều có điểm chung là sử dụng màu sắc rực rỡ, với các màu chủ đạo khác nhau như: hồng, đỏ, cam…; trang phục của người Mông được thiết kế cầu kỳ với phần yếm quần và khăn vấn thêu tỉ mỉ…
Đặc sắc như vậy nhưng những bộ trang phục truyền thống không tránh khỏi việc biến đổi và mai một. Do đó, trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống. Đặc biệt, ngày 3/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 117/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 35,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện, chia làm nhiều giai đoạn nhằm lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Đồng thời đầu tư có trọng điểm để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Theo đó, việc bảo tồn trang phục dân tộc được chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2019 đến 2025 và từ năm 2026 đến 2030. Trong giai đoạn 1 từ năm 2019 đến nay, Sở VHTTDL đã rà soát, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về trang phục truyền thống (quay phim, chụp ảnh, bài viết); tăng cường công tác tuyên truyền…
Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh kiểm kê toàn bộ trang phục các dân tộc tại 11/11 huyện, thành phố và thực hiện 260 phiếu khảo sát về trang phục truyền thống. Đồng thời xây dựng một bộ phim khoa học về trang phục dân tộc Nùng. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh xuất bản trên 500 cuốn sách ảnh giới thiệu về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, tại các huyện, thành phố, công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội duy trì việc mặc trang phục truyền thống cũng được đẩy mạnh như: Hội Háng Pỉnh (hội Bánh nướng), thành phố Lạng Sơn; lễ hội lồng tồng xã Hải Yến, huyện Cao Lộc; lễ hội hát Sli xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng; hội chợ tình Pác Khuông, huyện Bình Gia…
Ngoài ra, tại nhiều điểm du lịch đã chú trọng đến việc sử dụng trang phục truyền thống khi biểu diễn và cho thuê các bộ trang phục truyền thống chụp ảnh. Ví như: các làng du lịch cộng đồng: Thiện Hòa (Bình Gia); Quỳnh Sơn, Vũ Lăng (Bắc Sơn)… Hay tại phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn, chính quyền đều khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc, trình diễn trên sân khấu các bộ trang phục truyền thống… Qua đó để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách ở trong và ngoài tỉnh.
Chị Trần Hải Yến, du khách đến từ quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết: Khi tham quan làng du lịch cộng đồng ở xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia vào tháng 11/2021 vừa qua, chúng tôi rất ấn tượng với dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc Dao Lù Đạng để chụp ảnh. Bộ trang phục rất độc đáo, đặc sắc với áo, yếm, thắt lưng, quần, xà cạp, khăn mũ, cùng đồ trang sức bằng bạc. Mặc trang phục dân tộc, chúng tôi hiểu biết thêm về văn hóa, con người Xứ Lạng.
Thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ đó, đưa trang phục truyền thống phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
TUYẾT MAI – DƯƠNG DUYÊN/baolangson.vn
Lan tỏa vẻ đẹp trang phục dân tộc
Nhằm quảng bá vẻ đẹp trang phục dân tộc Xứ Lạng, các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc. Qua đó góp phần bảo tồn và lan tỏa vẻ đẹp trang phục dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa du lịch địa phương.
Ông Hà Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh: “Chú trọng lựa chọn trang phục truyền thống dân tộc phục vụ biểu diễn nghệ thuật”.
Trong tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, quần chúng phục vụ Nhân dân và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chúng tôi luôn chú trọng lựa chọn trang phục truyền thống dân tộc Xứ Lạng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của tiết mục. Đặc biệt, tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc và khu vực, chúng tôi đã đưa các đoàn nghệ nhân Tày, Nùng, Dao, Mông… trình diễn giới thiệu, ý nghĩa, cách làm, cách may trang phục dân tộc, đặc biệt sử dụng các bộ trang phục nguyên bản để trình diễn giới thiệu đã đạt được nhiều giải cao.
Đặc biệt, năm 2021, trung tâm đã xây dựng chương trình trình diễn giới thiệu các trang phục truyền thống Xứ Lạng dựng thành phim tư liệu, trong đó chủ yếu sử dụng trang phục truyền thống nguyên bản để trình diễn. Qua đó, góp phần quảng bá, đưa trang phục truyền thống đến với du khách.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc: “Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị trang phục dân tộc”.
Hiện nay, huyện Cao Lộc có hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện có một số nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc như: dệt thổ cẩm (xã Hòa Cư, Hải Yến); thêu, may trang phục dân tộc (xã Công Sơn, Mẫu Sơn, Xuất Lễ).
Để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá và phát huy trang phục truyền thống dân tộc với phát triển du lịch, tổ chức lễ hội. Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giáo dục bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc truyền thống lồng ghép trong học chính khóa, hoạt động ngoại khóa. Đồng thời khuyến khích các trường học sử dụng trang phục truyền thống thay cho đồng phục học sinh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 17 trường học duy trì học sinh mặc trang phục dân tộc khi đến trường.
Bà Trịnh Thị Khén, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định: “Trao truyền giá trị trang phục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ”.
Người Mông ở Cao Minh chủ yếu thuộc nhóm Mông đen. Hiện nay, quần áo may sẵn bán nhiều và đẹp mắt, giá thành phải chăng nên thế hệ trẻ không còn mặn mà với trang phục truyền thống. Vì vậy, những người có tuổi như chúng tôi thường truyền dạy cho con cháu biết thêu thùa, làm trang phục của dân tộc. Hiện thôn còn 6, 7 người già biết may trang phục dân tộc, nhưng chủ yếu là các cụ già yếu, chỉ còn mình tôi có thể truyền dạy được.
Xã tôi hiện có Câu lạc bộ Khôi phục bản sắc và trang phục dân tộc Mông với 20 thành viên. Với vai trò là chủ nhiệm, tôi đã tích cực truyền dạy kỹ thuật cắt may cho con dâu, các cháu và các thành viên câu lạc bộ. Đến nay, cơ bản các cháu có thể thực hiện khâu, thêu trang phục.
Năm 2021, tôi được Bảo tàng tỉnh mời cắt may một số bộ trang phục phục vụ trưng bày. Mới đây, tháng 12/2021, tôi cùng đoàn nghệ nhân người Mông tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lào Cai. Qua đó, lan tỏa vẻ đẹp trang phục dân tộc Mông Xứ Lạng đến đông đảo Nhân dân.
HUY ANH – MINH KHANG/baolangson.vn
https://baolangson.vn/van-hoa/474029-no-luc-bao-ton-phat-huy-net-dep-trang-phuc-truyen-thong.html