Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu đời, xuất hiện nhiều vào mỗi dịp tết đến, xuân về của người Việt Nam. Tại tỉnh Lạng Sơn, trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển của nghệ thuật thư pháp, tục xin và cho chữ đã quay trở lại, trở nên quen thuộc với mỗi người dân Xứ Lạng.
Trong những năm gần đây, cứ vào dịp đầu năm mới, tại chùa Thành, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn lại xuất hiện những “ông đồ” trẻ với một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực sẵn sàng viết chữ thư pháp cho những người xin chữ. Trên những tờ giấy đỏ, vàng, hồng (những màu tượng trưng cho sự may mắn), những nét chữ quốc ngữ mềm mại, bay bổng dần hiện lên với màu mực tàu óng ả. Khách xin chữ cũng rất đa dạng và xin các chữ khác nhau như: sinh viên xin các chữ: Trí, Đỗ, Minh, Tài; thương nhân xin chữ: Lộc, Tín, Phát; công chức xin chữ: Công, Thành, Danh; khách nặng nghĩa gia đình lại xin chữ: Phúc, Đức, Thọ, Tâm, An… Cũng có nhiều người nhờ “thầy đồ” lựa cho mình câu thơ, chữ ưng ý.
“Thầy đồ” trẻ viết thư pháp tại khu vực công viên Chi Lăng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn xuân Tân Sửu 2021
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để có thể sở hữu những khuôn chữ đẹp, có ý nghĩa, mỗi người xin chữ bỏ ra từ 20 đến 50 ngàn đồng để mua giấy (tùy khổ giấy), còn chữ thì được các “thầy đồ” cho. Chị Phạm Thị Thu, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, tôi thường đến chùa Thành để cầu tài, cầu đỗ đạt, cầu công danh sự nghiệp và xin chữ đầu năm. Tôi thường xin các chữ “sức khỏe”, “bình an”.
Được biết, tại tỉnh Lạng sơn, trước đây, do quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa các vùng miền đã xuất hiện loại hình nghệ thuật này nhưng không phổ biến. Hiện nay, nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật thư pháp đã quay trở lại.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Trong khoảng 5 năm gần đây, vào dịp đầu năm, tại một số điểm di tích đã xuất hiện những “thầy đồ” thực hiện việc cho chữ; đây là nét đẹp văn hóa rất đáng khích lệ, tạo niềm vui sự phấn khởi cho con người về một năm mới tốt đẹp. Để tạo ra sự đa dạng trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch dịp đầu xuân mới, hằng năm, ngành đã tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân cũng như đề nghị các đơn vị trực thuộc và phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố tích cực bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có loại hình nghệ thuật thư pháp.
Theo đó, để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa này, Ngành VHTTDL khuyến khích các đơn vị trực thuộc như: Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh đưa hoạt động viết thư pháp, trưng bày tại ngày Sách Việt Nam (21/4), ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức việc cho chữ – xin chữ tại các lễ hội đầu xuân…
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng thường xuyên quan tâm, khuyến khích phát triển loại hình nghệ thuật này trong trường học, tiêu biểu một số trường học trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhóm hoặc CLB thư pháp như: Trường THPT Tràng Định (huyện Tràng Định); Trường THPT Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn), Trường THCS Yên Trạch (Cao Lộc)…
Cô Nguyễn Thanh Trà, Trường THCS Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Từ năm học 2019 – 2020, tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường để thành lập CLB “Thư pháp Việt” nhằm tạo ra một sân chơi mới cho các em học sinh, thêm một lĩnh vực nghệ thuật mới để các em được trải nghiệm và biết phát huy, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc. Đây cũng chính là cách giúp các em thêm yêu chữ Việt, yêu quê hương, đất nước Việt Nam.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, nghệ thuật thư pháp có thể không còn được thuần túy như người xưa nhưng cái tâm của người cầm bút thổi hồn vào các con chữ, cái đức của người thưởng thức tinh hoa ấy thật đáng trân trọng. Hình ảnh “ông đồ” cho chữ trong các lễ hội xuân vẫn hiện hữu và còn nguyên giá trị. Nghệ thuật thư pháp đầu năm đã, đang trở thành nét đẹp văn hoá và là mỹ tục không thể thiếu trong các lễ hội xuân ở Xứ Lạng.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/van-hoa/474048-xin-chu-dau-nam-net-dep-van-hoa-can-gin-giu-va-phat-huy.html