Những năm qua, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh (GTKS) của Lạng Sơn đã giảm qua từng năm. Thành tích này khẳng định nỗ lực của các cấp, ngành, đặc biệt là ngành dân số tỉnh trong thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Năm 2017, tỷ số chênh lệch GTKS của Lạng Sơn là 116,7 bé trai/100 bé gái. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Để có tốc độ gia tăng tỷ số GTKS hợp lý, tiến tới đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng, ngành dân số tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào hai giải pháp chính là: tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đồng thời, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) về mất cân bằng GTKS, CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế giỏi, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh” tại các xã, phường, thị trấn…
Cán bộ chuyên trách dân số xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân
Theo đó, trong tuyên truyền, hằng năm, cơ quan DS-KHHGĐ các cấp đã tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả, hệ lụy của việc MCBGTKS trong phát triển kinh tế – xã hội đến lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ở 200 xã, phường, thị trấn được 800 buổi với trên 10.000 lượt người nghe. Trung bình mỗi năm, cơ quan dân số tổ chức thăm các gia đình, nói chuyện chuyên đề với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái tại 100 xã, phường, thị trấn với gần 3.000 lượt người nghe về các vấn đề không lựa chọn giới tính thai nhi, sinh đẻ có kế hoạch, áp dụng các biện pháp tránh thai… Các cơ quan dân số còn tích cực phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các buổi tư vấn, truyền thông tại các trường THPT về bất bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên được trên 400 buổi, thu hút gần 56.000 lượt học sinh tham dự; phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đăng tin, bài tuyên truyền về MCBGTKS, bình đẳng giới; năm 2019, tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10) với hơn 500 học sinh, 100 đoàn viên thanh niên tham gia diễu hành…
Chị Hoàng Thị Hằng, thôn Minh Đán, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn cho biết: Nhờ các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đều đặn, chúng tôi dần nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ về việc không lựa chọn giới tính thai nhi. Vì thế, mặc dù vợ chồng tôi sinh 2 con một bề là gái nhưng chúng tôi quyết định không sinh thêm để nuôi dạy các con trong điều kiện tốt nhất và chúng tôi có thêm thời gian để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Cùng với tuyên truyền, từ năm 2017, cơ quan dân số 11 huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS tại cơ sở. Sau gần 5 năm, cả tỉnh đã có 101 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế giỏi, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh” được thành lập và duy trì hoạt động tại 101 xã, thị trấn thuộc vùng I và II.
Chị Lê Thị Ái, Chủ nhiệm CLB mất cân bằng GTKS xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng cho biết: CLB được thành lập từ giữa năm 2017 với 40 thành viên. Các thành viên chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sinh con một bề… Hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần, các thành viên thảo luận về tình trạng mất cân bằng GTKS đối với phát triển kinh tế, tuyên truyền không lựa chọn giới tính thai nhi…
Bằng hai giải pháp trọng tâm đã nỗ lực triển khai, tỷ số GTKS của tỉnh đã được kiểm soát và giảm qua từng năm, đến hết năm 2021, tỷ số này của tỉnh giảm còn 114,6 bé trai/100 bé gái. Một số huyện có kết quả giảm sâu gồm: Tràng Định giảm từ 119 bé trai/100 bé gái (năm 2017) xuống còn 116,7 bé trai/100 bé gái (năm 2021); Lộc Bình 117 bé trai/100 bé gái (năm 2017) giảm còn 111 bé trai/100 bé gái (năm 2021); Văn Quan giảm từ 112 bé trai/100 bé gái (năm 2017) còn 110 bé trai/100 bé gái (năm 2021)…
Ông Đoàn Văn Nghị, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện công tác tuyên tuyền và triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS, huyện Tràng Định đã thành lập 11 CLB mất cân bằng GTKS tại 11 xã, thị trấn, thu hút gần 400 người tham gia để vận động thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Nhờ đó, tỷ số GTKS của huyện giảm qua từng năm. Một số xã có tỷ số GTKS cân bằng như: Khánh Long (100 bé trai/100 bé gái); xã Tân Tiến (106 bé trai/100 bé gái)…
Được biết, cùng với 2 giải pháp trên, trong thời gian tới, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh, đặc biệt là cơ quan dân số sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa để thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm 0,6 điểm % mỗi năm trong tỷ số GTKS, đến năm 2025, tỷ số này sẽ đạt mức 109 bé trai/100 bé gái.
Theo baolangson.vn