Thêm cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân viên y tế

Thứ 5, 24.02.2022 | 08:31:34
643 lượt xem

Tại buổi tọa đàm “Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 21/2 vừa qua, các đại biểu cho rằng, cần có những sự thay đổi về chính sách để người thầy thuốc thật sự yên tâm công tác.

Hướng dẫn người bệnh Covid-19 dùng thuốc hằng ngày tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh HÀ HỒNG HÀ)

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ở bất kỳ thời kỳ nào, nghề y luôn là nghề cao quý, được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Trong cuộc chiến chống Covid-19, nhiều y, bác sĩ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp mặt trận cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng. Đã có những hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành. Đối với họ, tinh thần trách nhiệm là trên hết, việc chăm sóc, phục vụ, chữa trị và cứu người đặt lên hàng đầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn là tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Những “chiến sĩ áo trắng” vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người, họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch... Sự hy sinh, vất vả của các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch nói bao nhiêu cũng không đủ.

Tuy nhiên, qua hơn hai năm chống dịch đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với người thầy thuốc. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, thực tế đó đòi hỏi cần điều chỉnh về chế độ, phụ cấp để động viên cán bộ y tế, nhất là nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, mặc dù những hỗ trợ, phụ cấp đó cũng chỉ là một phần để động viên nhân viên y tế hăng say với công việc hơn, tích cực và có trách nhiệm hơn trong công tác. Còn những giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả của lực lượng và hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở và y tế dự phòng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Những giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài đều hết sức quan trọng.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết. Tuy nhiên, để cho công tác phòng, chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế. Trong đó, sửa đổi những luật liên quan đến tiền lương.

Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân. Trước mắt tập trung xử lý theo đề xuất của Bộ Y tế nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Nhưng trong các khoản phụ cấp này, chúng ta xác định phụ cấp 100% nhưng không phải lĩnh vực nào cũng 100% mà có những nơi phải là 120%, 150% và có những lĩnh vực thấp hơn. Điều quan trọng là phải có phụ cấp đặc thù, liên quan đến vấn đề bất trắc trong phòng, chống dịch chưa có tiền lệ.

Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ một loạt văn bản hỗ trợ nhân viên y tế. Chính phủ đang giao Bộ Y tế khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

Để có giải pháp căn cơ lâu dài bảo đảm nguồn nhân lực, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ Y tế cần chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị; Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành y tế, đặc biệt là qua bốn đợt dịch Covid-19 vừa qua...

Theo tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, có ba nút thắt lớn về thể chế cần tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thỏa đáng. Vấn đề thứ nhất là ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác, cho nên cần thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.

Thứ hai, ngành y tế là ngành chăm lo cho sức khỏe của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang nên cần áp dụng phụ cấp như lực lượng vũ trang.

Thứ ba, do đặc thù đặc biệt, khi cán bộ ngành y phải đương đầu chống dịch, chúng ta cần có phụ cấp đặc biệt để khi biến cố xảy ra, chúng ta áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến. Nếu chúng ta giải quyết được những nút thắt này thì lực lượng y tế sẽ toàn tâm toàn ý trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/them-co-che-chinh-sach-dai-ngo-nhan-vien-y-te-686764/

  • Từ khóa