Hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động đợt thi đua đặc biệt 130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả.
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với Chiến sĩ quân hàm xanh, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) thăm hỏi và trao quà tặng các thành viên có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh NGÔ TUẤN)
Từ đó, dưới đôi bàn tay khéo léo, tinh thần sáng tạo, khát vọng cống hiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ, các mô hình thật sự đi vào cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và góp phần tô đẹp thêm cho đời.
Mặc dù trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần “thi đua là yêu nước”, cùng truyền thống đoàn kết, phẩm chất nhân hậu, chịu thương chịu khó của phụ nữ Việt Nam, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của chị em đã được lan tỏa, hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thân của phụ nữ.
Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số
“Với đặc thù là tỉnh miền núi, đa thành phần dân tộc, tôn giáo, đời sống của phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vẫn còn cao. Thấu hiểu điều đó, những năm qua, bên cạnh các chương trình, hoạt động thường xuyên, vào đầu tháng 3/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã phát động đợt thi đua đặc biệt “100 hoạt động, phần việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo” trên địa bàn tỉnh, hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Tô Thị Tâm cho biết.
Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Buôn Hồ về thăm công trình xây dựng mái ấm cho gia đình chị H’Uan Niê ở buôn Klat C, xã Ea Drông. Chị H’Uan Niê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Để chia sẻ nỗi vất vả với gia đình chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Buôn Hồ đã kết nối với doanh nghiệp hỗ trợ 45 triệu đồng, cùng với giúp đỡ của người thân, chị H’Uan Niê có ngôi nhà mới kiên cố. Nhìn ngôi nhà đang dần được hình thành, chị H’Uan Niê nói: “Những năm qua, việc lo bữa ăn hằng ngày và các con ăn học còn thiếu trước hụt sau. Giờ đây được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã hỗ trợ gia đình xây dựng ngôi nhà mới, chúng tôi vui mừng lắm”. Hoàn cảnh của chị H’Lóa Niê ở buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar cũng không ít gian truân. Đầu năm 2021, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ cặp dê giống trị giá 10 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, đến nay đã tạo nguồn thu hơn 40 triệu đồng.
Thông qua những phần việc thiết thực đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã tiếp thêm động lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số khắc phục khó khăn, thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi và tự tin hơn vươn lên trong cuộc sống. Sau một năm thực hiện đợt thi đua đặc biệt, với sự tham gia, hỗ trợ nguồn lực của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao 15 mô hình sinh kế cho 15 hộ gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo với tổng trị giá 200 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh thực hiện 289 công trình, phần việc như trao mô hình sinh kế, mở lớp hỗ trợ kiến thức sản xuất, chăn nuôi cho phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn tại địa phương với tổng trị giá hơn 4,1 tỷ đồng...
Thắt chặt tình quân dân địa bàn biên giới
Thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) nằm ở khu vực biên giới, giáp nước bạn Lào. Mặc dù đời sống của người dân phải đối mặt với không ít khó khăn do địa hình cách trở, xuất phát điểm thấp, song bằng khát vọng vươn lên, nhất là vai trò kết nối, lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của chị em phụ nữ, cuộc sống người dân nơi đây đang khấm khá từng ngày.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) hướng dẫn hội viên kiến thức chăn nuôi dê. (Ảnh CÔNG LÝ)
Chị Lê Thị Hữu chia sẻ: Trước đây, do hạn chế trong nhận thức, phong tục tập quán, một số chị em ngại tiếp cận phương thức sản xuất mới, chưa mạnh dạn giao tiếp, học hỏi kiến thức bên ngoài, vì thế năng suất lao động thấp, vai trò phụ nữ trong gia đình chưa được phát huy. Những năm gần đây, thông qua chương trình “Đồng hành cùng biên cương” được cụ thể hóa bằng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ với Chiến sĩ quân hàm xanh, các hội viên phụ nữ trên địa bàn được tiếp sức, tạo động lực, ý chí vươn lên cũng như có thêm cơ hội việc làm và các mô hình sinh kế bền vững. Ngay như gia đình tôi, sau khi tiếp cận, áp dụng phương thức sản xuất hiệu quả, xây dựng thành công vườn mẫu với 100 gốc bưởi, 27 con trâu, bò..., chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời kêu gọi các thành viên cùng hỗ trợ vốn, kiến thức để các chị em trong thôn tham gia, phát triển mô hình.
Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với Chiến sĩ quân hàm xanh xã Phú Gia, Trần Thị Hợi cho biết: Sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, các thành viên CLB đã xây dựng được chín mô hình kinh tế cho thu nhập cao; các thành viên tự nguyện tham gia lao động để giúp các chị em ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, sức khỏe yếu dọn dẹp vườn tược, dời dọn công trình vệ sinh; tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, CLB cùng Đồn Biên phòng Phú Gia và các đơn vị liên quan tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm lượt người dân; đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật đến với người dân ở khu vực biên giới.
Theo chị Trần Thị Huyền Trang, Phó Ban Tuyên giáo-Chính sách Pháp luật (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh), ngoài xã biên giới Phú Gia, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã đồng hành cùng các chiến sĩ và người dân ở tất cả các xã biên cương. Với quan điểm kết nối yêu thương để biên cương thêm vững mạnh, tại tất cả địa bàn có đồn biên phòng đóng quân đã thành lập CLB. Từ đây, các cán bộ, hội viên phụ nữ và chiến sĩ quân hàm xanh đồng hành nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, phát huy vai trò làm chủ của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn lực phục vụ sản xuất.
Những vòng tay yêu thương
Phát huy cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, các cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đã đồng lòng, chung sức nỗ lực tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Không chỉ vậy, bằng tấm lòng bao dung, đồng cảm, hình ảnh những người phụ nữ lại được thắp sáng trên hành trình chung tay thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Tại tỉnh Bình Dương, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Hội Nữ doanh nhân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em mồ côi sau đại dịch, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát, tiếp thêm nghị lực để các em vững bước vào đời. Ngoài việc hỗ trợ tiền mặt hằng tháng, các em còn được các mẹ đỡ đầu hỗ trợ thêm đồ dùng học tập, sữa, quần áo, máy vi tính và tạo điều kiện cho các em tham gia lớp học năng khiếu.
Em L.M.H (sinh năm 2015) ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, khi mới sinh đã sống với ông bà ngoại và cậu. Đợt dịch bùng phát năm 2021, bà ngoại của M.H mắc Covid-19 và qua đời. Thay bà ngoại, cậu ruột Lê Kỳ Bảo đã chăm lo đứa cháu nhỏ. Anh Bảo cho biết, cháu M.H đã được đi học tại một trường tiểu học nhưng phía trước tương lai của M.H là một chặng đường dài gian nan khi thiếu vắng những người thân thiết. Tuy vậy, sự giúp đỡ từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã phần nào làm vơi bớt khó khăn cho gia đình, tạo điều kiện chăm lo cho cháu M.H được học hành ổn định.
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, khiến cho trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của cha mẹ, người thân. Qua đại dịch, có những nỗi đau không thể nguôi ngoai, có những mất mát không thể bù đắp. Dẫu vậy, những người mẹ đỡ đầu sẽ vẫn luôn dõi theo và đồng hành cùng các em trong quãng đường còn lắm nhọc nhằn phía trước. “Hơn lúc nào hết, trẻ em cần được sự quan tâm đặc biệt và giải pháp toàn diện để hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài. Đây cũng là nhiệm vụ xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo, thể hiện rõ vai trò của tổ chức Hội trong việc chăm lo phụ nữ, trẻ em yếu thế”, bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương cho biết.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương tiếp tục rà soát, lập danh sách, nắm bắt hoàn cảnh các trẻ mồ côi để phối hợp Hội Nữ doanh nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc với phương châm: Không để trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị bỏ lại phía sau. Ngoài những quy định về hỗ trợ chung, Hội sẽ đẩy mạnh trang bị máy tính cho các em có công cụ học tập; phối hợp các đoàn thể liên quan tổ chức chương trình về nguồn nhằm tạo sân chơi giúp trẻ em cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, thời gian qua, các công trình, mô hình, phần việc của hội viên phụ nữ hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII trải đều trên các lĩnh vực từ an sinh xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giáo dục... Dù ở lĩnh vực, hoạt động nào, các công trình, mô hình, phần việc cũng đều bám sát nhu cầu thực tiễn, có tâm huyết, sự chăm chút của hội viên phụ nữ, góp phần hưởng ứng các phong trào thi đua của địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tiếp tục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ và toàn xã hội.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/suc-song-tu-nhung-cong-trinh-phan-viec-cua-hoi-vien-phu-nu-688338/