Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến với rất nhiều dạng thức và tính năng khác nhau giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu.
Ngoài việc giải trí, kết nối cộng đồng, hiện nay việc chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội đang được nhiều người quan tâm, nhất là giới trẻ. Mạng xã hội với nhiều nội dung phong phú là một “kênh” cung cấp thông tin hỗ trợ tích cực cho người học. Đặc biệt trong điều kiện học tập trực tuyến, mạng xã hội giúp lan tỏa tri thức đến với học sinh, sinh viên.
Cần có sự kiểm soát chặt chẽ thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật này lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: tuyengiao.vn |
Các mạng xã hội được giới trẻ sử dụng nhiều hiện nay như facebook, zalo, instagram, tiktok... Khai thác những ưu điểm của mạng xã hội như khả năng kết nối rộng rãi, truyền tải thông tin phong phú, sinh động, tạo sự hấp dẫn, thu hút người tiếp nhận, nhiều bạn trẻ đã sáng tạo ra các nội dung học tập hữu ích. Sử dụng các công cụ hỗ trợ đa dạng, giới trẻ có thể thực hiện nhiều dự án, chương trình nhằm chia sẻ kiến thức có hiệu quả tới cộng đồng.
Chẳng hạn, dự án “Learn On TikTok” triển khai trên nền tảng tiktok thu hút nhiều bạn trẻ cung cấp kiến thức về các lĩnh vực như ngoại ngữ, khoa học công nghệ, lịch sử, y tế... Với cách thể hiện mới mẻ, hấp dẫn, giới trẻ đã sáng tạo nhiều nội dung liên quan đến chuyên môn của mình và lan tỏa kiến thức bổ ích đến với nhiều người.
Hiện nay, công nghệ tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó có giáo dục. Giới trẻ dễ tiếp thu công nghệ và có thể ứng dụng nhanh nhạy vào quá trình học tập. Chỉ cần có một thiết bị công nghệ hiện đại, người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với những tri thức trên mạng xã hội. Thực tế nhiều chương trình học qua mạng xã hội đã được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng bởi tính nhanh chóng, tiện lợi, có thể tương tác và tự do sáng tạo. Nhờ những diễn đàn trực tuyến, truy cập thông tin nhanh chóng, người học cảm thấy hứng thú với các nội dung đăng tải.
Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và chia sẻ tri thức trên mạng xã hội, bên cạnh những mặt tích cực còn ẩn chứa nhiều nguy cơ xấu tác động không tốt đối với giới trẻ. Mạng xã hội với muôn vàn thông tin tốt-xấu, thật-giả đan xen. Không ít những thông tin nhảm nhí, phản cảm tràn lan được đăng tải khiến người học dễ bị sa đà cuốn theo.
Đã có nhiều trường hợp học theo những trò mạo hiểm, thậm chí hủy hoại bản thân cũng bởi những thông tin tiêu cực chia sẻ trên mạng xã hội. Giới trẻ vốn ưa tìm hiểu, thích khám phá, khi tiếp cận những thông tin trên nếu không tỉnh táo, nhận thức đúng dễ bị mất phương hướng, nhận thức lệch lạc, hành động sai trái.
Có thể thấy giữa mênh mông “xa lộ” thông tin để tiếp nhận và lan tỏa những tri thức hữu ích tích cực, các bạn trẻ cần được trang bị những kiến thức nhất định. Muốn vậy, nhà trường, giáo viên, phụ huynh phải định hướng, hỗ trợ để các em lựa chọn chương trình học tập phù hợp. Thông qua chương trình học tập chính thống, giáo viên có thể giới thiệu những nội dung hữu ích, cách nhận biết những nội dung phản cảm, tiêu cực để tránh. Điều quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mỗi bạn trẻ.
Để không bị vướng vào những thông tin xấu độc, những video “bẩn” nhằm mục đích “câu view”, “câu like”, giới trẻ cần có bản lĩnh để làm chủ cảm xúc, luôn vững vàng trước những cám dỗ trong thế giới ảo. Dù thông tin “bát nháo” thế nào nếu các bạn trẻ có động cơ học tập đúng đắn, thái độ tiếp cận tích cực sẽ tìm thấy nội dung phù hợp và “miễn dịch” trước những thông tin xấu độc. Thế nên chủ động tự tin tiếp nhận và sáng tạo kiến thức trên mạng xã hội cũng là cách để giới trẻ thể hiện bản thân, sáng suốt lĩnh hội “kho” kiến thức vô cùng phong phú trên mạng xã hội, từ đó lan truyền tri thức đến nhiều người, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi công dân.
THƯ NGỌC/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/vung-vang-trong-the-gioi-ao-688619