Ngay trong quý I/2022, hàng loạt tiện ích được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn thành và đưa vào ứng dụng trong thực tế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Khi đã có căn cước công dân gắn chip điện tử, người dân có thể dễ dàng khai báo y tế thông qua hệ thống máy quét mã QR tại các nhà ga, bến xe, trụ sở cơ quan...
Năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề hiện thực hóa cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp nối những thành công trong năm 2021, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án) nhằm nhanh chóng khai thác, ứng dụng giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hướng tới phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp
Bộ Công an cho biết, mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử, căn cước công dân, để phục vụ năm nhóm tiện ích tập trung vào giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; hoàn thiện hệ sinh thái chính phủ số; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp và phục vụ công dân số. Trong các nhóm tiện ích đó, Bộ Công an đặt trọng tâm mục tiêu hướng tới phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính một cách thuận lợi nhất và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư.
Mục tiêu cụ thể trong năm 2022, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế trong quý I/2022 phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, xã hội sẽ được giải quyết hiệu quả khi triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…) và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VN-eID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2022, bước vào giai đoạn 2023-2025 sẽ hoàn thành mục tiêu tối thiểu 90% số người dân, doanh nghiệp hài lòng việc giải quyết thủ tục hành chính về cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, căn cước công dân.
Phát triển các "trường thông tin"
Bên cạnh cơ sở dữ liệu dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đang tiếp tục phát triển các "trường thông tin" tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Đến thời điểm hiện tại, dù công tác trả thẻ căn cước công dân đến tay người dân ở một số nơi còn bị chậm do tác động của dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khách quan, nhưng với sự nỗ lực, đến nay, Bộ Công an đã in và trả về cho công an các địa phương gần 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử của công dân thu nhận trong năm 2021.
Một trong những điểm ưu việt của thẻ căn cước công dân mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân trên thẻ hơn so với thẻ căn cước công dân mã vạch trước đây. Khi đó, người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân gắn chip. Hiện tại, thẻ căn cước công dân gắn chíp đã được tích hợp những tiện ích như: thông tin thẻ xanh Covid-19, thông tin tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19...; thông tin người phụ thuộc đi cùng với người có căn cước công dân gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự…). Ngay trong năm 2022, C06 sẽ tiến tới nghiên cứu, xây dựng phương án kỹ thuật, tích hợp các tiện ích, thông tin "mở rộng", dữ liệu đa ngành vào thẻ căn cước công dân gắn chip như bảo hiểm, bằng lái xe, thông tin tiêm chủng, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, đối tượng thuộc diện hỗ trợ…, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính, giảm giấy tờ tùy thân, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. Chip điện tử cũng được tích hợp các "trường thông tin" cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học, ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn ICAO. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Khi người dân đã có thẻ căn cước công dân gắn chip, thông qua hệ thống máy quét chuyên dụng lắp đặt tại cửa ra vào các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị, bến xe, sân vận động, nơi công cộng..., chỉ với thao tác quét mã QR, người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng khai báo y tế, cung cấp thông tin tiêm chủng, hạn chế tiếp xúc phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Dữ liệu công dân được đối sánh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua quy trình xác minh, bảo đảm chính xác, đúng đối tượng. Đồng thời, doanh nghiệp, tổ chức cũng dễ dàng theo dõi, quản lý các yếu tố dịch tễ, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra vào trụ sở cơ quan để chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kịp thời.
Theo nhandan.vn