Trăm năm vang tiếng đờn ca

Thứ 7, 09.04.2022 | 15:13:17
465 lượt xem

Hiếm có loại hình âm nhạc truyền thống nào của nước ta có không gian trải dài qua 21 địa phương từ các tỉnh Nam Trung Bộ nắng gió, đến vùng đất mũi Cà Mau cuối trời Tổ quốc và được lưu giữ, trao truyền hơn 100 năm qua. Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã thấm sâu, bền rễ, gắn bó máu thịt với đời sống người dân Nam Bộ và được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiết mục tại lễ khai mạc Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III. (Ảnh: THANH TÂM)

Hiếm có loại hình âm nhạc truyền thống nào của nước ta có không gian trải dài qua 21 địa phương từ các tỉnh Nam Trung Bộ nắng gió, đến vùng đất mũi Cà Mau cuối trời Tổ quốc và được lưu giữ, trao truyền hơn 100 năm qua. Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã thấm sâu, bền rễ, gắn bó máu thịt với đời sống người dân Nam Bộ và được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo nghiên cứu của giới âm nhạc, Đờn ca tài tử Nam Bộ là dòng nhạc dân tộc được hình thành và phát triển vào cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian, được cải biên, sáng tác phù hợp với tâm tư, tình cảm, đời sống người dân Nam Bộ. Vì thế, Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học.

Sức sống trăm năm 

Đờn ca tài tử là sự kết hợp của đàn và ca, do những người bình dân, chủ yếu nam, nữ thanh niên nông thôn đàn và ca sau những giờ lao động mệt nhọc. Đờn ca tài tử trình diễn với ban nhạc, ban đầu gồm 4 loại nhạc cụ gồm: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt); sau này cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng đàn guitar phím lõm và một số nhạc cụ khác để phụ họa. Những người tham gia Đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục. Khi nào diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới mặc các trang phục biểu diễn.

Cũng hiếm có loại hình nghệ thuật nào mà người dân (đặc biệt ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ) từ trẻ đến già đều biết ca và thuộc các giai điệu hay, đặc sắc của loại hình âm nhạc truyền thống này. Những lời ca, tiếng hát là những gì gần gũi với đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân, được trình diễn trong không gian trước ngôi nhà của mình, ở bến sông, trên ghe... để thỏa đam mê. Chính không gian này đã nuôi dưỡng nghệ thuật, tạo nên nét riêng, đặc trưng và sức sống mãnh liệt, bền lâu của Đờn ca tài tử. Ngày nay, Đờn ca tài tử được thực hành mọi lúc, mọi nơi trong các dịp lễ hội, ngày giỗ, đám cưới, sinh nhật, các buổi sinh hoạt cộng đồng... Khán giả cũng có thể tham gia thực hành đờn ca theo phong cách “tài tử” của riêng mình vì loại hình âm nhạc này mang tính cộng đồng cao. 

Tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm nay, các nghệ nhân đem đến nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc, với những lời ca, giai điệu ngọt ngào về cuộc sống, lao động, những sinh hoạt văn hóa riêng của mỗi địa phương, làm phong phú thêm nghệ thuật Đờn ca tài tử. Vừa kết thúc trình diễn phục vụ đêm khai mạc, Nghệ nhân Ưu tú Trường Út, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tây Đô tự hào chia sẻ: Ông rất vui và hạnh phúc vì lâu lắm, nhiều thế hệ nghệ nhân mới được diễn trên sân khấu lớn để giới thiệu, quảng bá cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc tới đông đảo công chúng. Sau liên hoan này, Nhà nước, các cấp, các ngành ở mỗi địa phương nên tạo điều kiện để nghệ nhân được biểu diễn thường xuyên vừa phát huy tinh hoa âm nhạc truyền thống của cha ông, nghệ nhân cũng an tâm cống hiến cho nghệ thuật. 

Tâm huyết và đam mê với bộ môn nghệ thuật này, Nghệ nhân Ưu tú Thành Trí, đoàn Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh trăn trở: “Tôi và anh em nghệ nhân của câu lạc bộ dù cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn cố gắng theo nghề và truyền nghề cho thế hệ con cháu để lưu giữ tinh hoa của âm nhạc dân tộc. Âm nhạc truyền thống nói chung, Đờn ca tài tử nói riêng chịu nhiều tác động của kinh tế thị trường, khó thu hút giới trẻ so với các loại hình giải trí hiện đại. Nhưng giới nghệ sĩ chúng tôi cố gắng làm mới mình, phù hợp với đời sống hiện đại, quyết tâm giữ lửa đam mê vì đây là vốn quý của cha ông, không thể để mai một”.
 
Nghệ thuật Đờn ca tài tử phát triển mạnh ở 21 tỉnh, thành phố phía nam, nhưng phổ biến nhất là ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Trong đó, Bạc Liêu, thành phố Cần Thơ, Long An được xem là “cái nôi” của Đờn ca tài tử Nam Bộ; cùng với tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có số người tham gia đông nhất. Đặc biệt sau gần 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật Đờn ca tài tử được các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy vốn quý của dân tộc. 

Để đờn ca vang mãi

Sau 5 năm thực hiện đề án phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đến nay, thành phố Cần Thơ có hơn 260 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử (tăng gần 100 câu lạc bộ so với trước) với hơn 2.200 nghệ nhân tham gia, trong đó có gần 500 nghệ nhân ca được 20 bài bản Tổ. Ngành chức năng thành phố quan tâm đầu tư mua sắm nhạc cụ, hỗ trợ kinh phí các câu lạc bộ duy trì hoạt động; tạo điều kiện các câu lạc bộ Đờn ca tài tử giao lưu định kỳ trong và ngoài thành phố để học hỏi, trao dồi thêm kỹ năng, chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng phong trào tại các địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử hai năm một lần, định kỳ tổ chức biểu diễn Đờn ca tài tử ở Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Nhà hát Tây Đô, nhà biểu diễn Trung tâm văn hóa thành phố, đưa Đờn ca tài tử vào các khu du lịch sinh thái, nhà vườn kết hợp với du lịch... để tạo sức lan tỏa đến công chúng yêu âm nhạc.

Hiện Bạc Liêu có gần 200 câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử, với hơn 2.000 nghệ nhân. Nhiều câu lạc bộ cũng duy trì sinh hoạt định kỳ. Nhà hát Cao Văn Lầu định kỳ sáng đèn thứ năm hằng tuần biểu diễn (miễn phí) nghệ thuật Đờn ca tài tử và các bài bản cải lương phục vụ công chúng. Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành điểm du lịch đặc trưng của Bạc Liêu để du khách tìm hiểu về lịch sử Đờn ca tài tử và cải lương của vùng đất Nam Bộ.

Tuy nhiên, Nghệ thuật Đờn ca tài tử nơi này, nơi khác đang dần mai một theo thời gian, ngay cả ở những địa phương được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Nguyên nhân do Đờn ca tài tử chưa thu hút sự quan tâm, say mê của giới trẻ và không thể cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại, đặc biệt là các mạng xã hội. Những nghệ nhân nòng cốt phần đông đã lớn tuổi, tuy sẵn lòng truyền dạy nhưng ít người trẻ đam mê với môn nghệ thuật này vì phần đông không sống được với nghề, ngay cả những nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Nhà nước chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho loại hình nghệ thuật này để phát triển bài bản, đa dạng cách tiếp cận với công chúng, đặc biệt là những người trẻ...

Ngày nay, một bộ phận công chúng, giới làm nghệ thuật và cả những nhà quản lý văn hóa vẫn còn có cái nhìn chưa đúng về nghệ nhân và nghệ thuật Đờn ca tài tử. Họ cho rằng, “tài tử” có nghĩa là nghiệp dư, chỉ đàn hát cho vui. Trong thực tế, tài tử có nghĩa là tài năng và ngụ ý rằng những người này không dùng nghệ thuật để kiếm kế sinh nhai, mà chỉ để thỏa đam mê những lúc ngẫu hứng. Để được công nhận là nghệ nhân Đờn ca tài tử, họ phải am hiểu sâu và thực hành trong một thời gian dài. Chính vì thế, đâu đó vẫn còn có sự phân biệt đối xử với nghệ nhân Đờn ca tài tử và nghệ nhân tài tử chưa được xem là một nghề trong xã hội. 

Thạc sĩ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô chia sẻ: Đờn ca tài tử xuất phát từ mạch nguồn cộng đồng, từ đời sống của nhân dân, phải do chính người dân giữ gìn và phát huy. Để làm được điều này, Nhà nước, chính quyền các cấp cần quan tâm đến hoạt động các câu lạc bộ Đờn ca tài tử trong cộng đồng dân cư, làm sao để Đờn ca tài tử được xem là một nghề và nghệ nhân sống được với nghề thì các câu lạc bộ mới hoạt động thực chất, hiệu quả. Còn hiện tại, phần lớn, người tham gia câu lạc bộ Đờn ca tài tử ở nông thôn, có cuộc sống khó khăn, phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, chỉ hoạt động theo thời vụ khi có lễ hội hoặc các sự kiện văn hóa nên khó có thể giữ lửa đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Nhà nước cũng tạo điều kiện hồ sơ, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân cho loại hình nghệ thuật này để vinh danh đóng góp của nghệ nhân lớn tuổi, tạo động lực duy  trì niềm đam mê, quan tâm của cộng đồng đối với Đờn ca tài tử.

Ở góc độ quản lý văn hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy cho rằng: Nghệ thuật Đờn ca tài tử cần sớm tiếp cận với các em học sinh cấp THCS và THPT, thông qua các điệu lý, làn điệu dân ca, hò vè mang hơi thở cuộc sống người dân Nam Bộ, để các em có thể cảm nhận, yêu mến quê hương, đất nước, từ đó yêu loại hình nghệ thuật này. Sau này, khi lớn lên, chỉ cần một số học sinh của mỗi trường đam mê, theo nghề là thành công và nghệ thuật Đờn ca tài tử sẽ được gìn giữ, phát huy. Bên cạnh đó, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm tăng đầu tư cơ sở vật chất, nhạc cụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động, cũng như tạo điều kiện để các câu lạc bộ Đờn ca tài tử biểu diễn ngoài thỏa đam mê và để nghệ nhân sống được với nghề. 

Tỉnh Bạc Liêu đã ban hành đề án bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu, đến năm 2025, mỗi khóm, ấp ở xã, phường, thị trấn, mỗi trường học từ cấp THPT duy trì ít nhất một câu lạc bộ Đờn ca tài tử hoạt động hiệu quả; vận động các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân tham gia truyền dạy, diễn xướng Đờn ca tài tử; tổ chức hội thi, liên hoan đờn ca các cấp, vinh danh các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều cống hiến...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân cho biết: Nguồn kinh phí thực hiện đề án giai đoạn này là hơn 3,9 tỷ đồng. Tuy kinh phí không nhiều nhưng với nguồn ngân sách hạn hẹp của địa phương, đây là nỗ lực lớn trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử. Bạc Liêu mong muốn, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm tăng đầu tư cho văn hóa nói chung, nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021 khẳng định, văn hóa phải được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác để nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ mãi trường tồn.

Trăm năm vang tiếng đờn ca -0

 Câu lạc bộ  Đờn ca tài tử xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ giao lưu, biểu diễn kỹ năng đàn hát. (Ảnh DUY KHÔI)


THANH TÂM và NGUYỄN THANH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/dong-chay/tram-nam-vang-tieng-don-ca-692569/

  • Từ khóa