Chủ đầu tư cho biết, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên dự án xây dựng cầu vượt chữ C tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) tiếp tục chậm tiến độ.
Trước đó, Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng cầu vượt chữ C tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (thuộc quận Đống Đa, Hà Nội), thời gian thực hiện là 270 ngày.
Nhà thầu được Ban QLDA lựa chọn là liên danh Thành Long - Cienco1 - Việt Hưng. Trong đó, Công ty CP tập đoàn Thành Long thực hiện thi công kết cấu dầm thép phần trên. Tổng công ty công trình giao thông 1 (Cienco1) thi công kết cấu phần dưới (cọc khoan nhồi, mố trụ cầu). Công ty CP xây dựng kỹ thuật Việt Hưng thực hiện công tác xén hè mở động đường Chùa Bộc và hoàn thiện hệ thống cây xanh, chiếu sáng.
Cầu vượt chữ C tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch tiếp tục "trễ hẹn" (Ảnh: Ngọc Huyền).
Theo Ban QLDA, dự án chính thức khởi công vào ngày 29/10/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như hiện trạng công trình ngầm nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch nên ngày 20/6 vừa qua, đơn vị thi công báo lại tiến độ, cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.
Đến thời điểm hiện tại, theo Ban QLDA, tiến độ công trình vẫn chậm 1 tháng so với cam kết của nhà thầu và cây cầu sẽ không thể hoàn thành trong tháng 12/2022.
Lý giải về việc này, Ban QLDA cho biết có 2 nguyên nhân chính.
Trước hết là do vướng mắc hệ thống công trình ngầm nổi trên phố Chùa Bộc khi triển khai thi công khoan cọc nhồi. Trong đó, vướng hệ thống dây thông tin (khoảng 30 sợi cáp quang của 11 đơn vị viễn thông trên địa bàn thành phố) cắt ngang qua tim cọc nên phải có giải pháp xử lý. Một số vị trí khoan cọc trụ cầu cũng vướng hệ thống thoát nước ngầm...
Nguyên nhân khác, việc vận chuyển dầm thép cầu từ xưởng gia công, chế tạo đến chân công trường gặp nhiều khó khăn. Trong đó, quá trình vận chuyển, do kích thước bề ngang của kết cấu dầm thép lớn (6,5m) nên không thể di chuyển qua 2 trạm thu phí cũ trên Quốc lộ 5 cũ (tại KM82+800 và Km18+100).
Nói về giải pháp vận chuyển, đại diện Công ty CP tập đoàn Thành Long cho biết, nhà thầu đang tích cực phối hợp với Công ty Phát triển Hạ tầng và đầu tư Tài chính Việt Nam - VIDIFI (đơn vị quản lý 2 trạm thu phí nêu trên) để đưa ra phương án vận chuyển xe chở cấu kiện qua trạm thu phí.
Để đẩy nhanh tiến độ, Ban QLDA cho biết đã tổ chức nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và liên tục có văn bản đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, Ban QLDA cũng đề nghị các đơn vị thi công bổ sung nhân lực, máy móc, thiết bị để bù vào khoảng thời gian chậm tiến độ.
Theo Ban QLDA, hiện dự án đã thi công xong toàn bộ phần cọc khoan nhồi và 6 mố trụ phía đường Phạm Ngọc Thạch. Dự kiến, ngày 30/11 sẽ hoàn thành kết cấu phần dưới phố Chùa Bộc; đầu tháng 11 (sau khi được cấp phép) sẽ tiến hành lao lắp dầm thép phía đường Phạm Ngọc Thạch.
"Công tác lao lắp các nhịp dầm thép sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 12 và hoàn thành kết cấu phần trên trước Tết Âm lịch 2023. Tiếp đó, đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thiện bê tông mặt cầu, lan can, hệ thống chiếu sáng và dự kiến thông xe vào quý I/2023" - đại diện Ban QLDA khẳng định.
Cầu vượt với kết cấu thép lắp ghép dạng chữ C được xây dựng theo hướng từ đường Phạm Ngọc Thạch nối vòng cung sang phố Chùa Bộc, với tổng mức đầu tư là 147,28 tỷ đồng. Kết cấu nhịp cầu dầm hộp thép liên hợp bản BTCT, chiều cao dầm thép 1,2m. Cầu có tổng chiều dài khoảng 320m (tính đến đuôi mố). Bề rộng cầu ở các đoạn thông thường là 9m, trong đường cong là 11m… Để thi công dự án, đơn vị thi công đã lập hàng rào cứng tại đường Phạm Ngọc Thạch và Chùa Bộc. Điều này khiến tuyến đường bị thu hẹp, các phương tiện di chuyển khó khăn theo cả 2 chiều, đặc biệt vào khung giờ cao điểm. |
Theo dantri.com.vn