Trong những năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, HĐND các cấp, ý kiến, kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường là một trong những nhóm ý kiến chiếm tỷ lệ cao tại huyện Hữu Lũng. Chính vì vậy, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri về nội dung này đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và tập trung giải quyết.
Hiện nay, huyện Hữu Lũng có 27 cơ sở khai thác đá hoạt động. Từ năm 2018 đến 2019, cử tri ở huyện đã có các ý kiến, kiến nghị về việc khai thác đá gây rung chấn mạnh, tiếng ồn lớn, gây bụi làm ảnh hưởng đến hoa màu, sinh hoạt của người dân…
Gia đình ông Nguyễn Hữu Đê, thôn Chục Quan, hộ sống gần nhất với mỏ đá Ao Si thuộc Công ty TNHH Hoàng Khánh đưa phóng viên đi tham quan vườn na đang sinh trưởng phát triển, không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi khói bụi, lở đá khi mỏ thực hiện khai thác như trước đây
Để giải quyết các kiến nghị của cử tri huyện Hữu Lũng, HĐND tỉnh, HĐND huyện Hữu Lũng đã có văn bản đề nghị UBND cùng cấp chỉ đạo các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra hoạt động tại các mỏ đá. Theo đó từ năm 2020 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và các ngành liên quan đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra các mỏ đá được cử tri phản ánh; tiến hành đo đạc các mức độ ảnh hưởng, thực hiện quan trắc về môi trường. Cùng với đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của huyện cũng thực hiện giám sát các hoạt động của doanh nghiệp khai thác, nhắc nhở doanh nghiệp khắc phục tình trạng tiếng ồn lớn, khói bụi; đường giao thông xuống cấp do vận chuyển đá…
Trên thực tế, từ sau những đợt kiểm tra, giám sát, từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp khai thác cũng đã có những giải pháp khắc phục cụ thể như: thực hiện nổ mìn theo đợt và giảm khối lượng thuốc nổ đảm bảo không vượt quá 150 kg/lần nổ; trang bị, lắp đặt hệ thống đường ống nước phun ẩm, bố trí xe tưới nước thường xuyên từ khu vực khai thác ra đến khu dân cư để giảm bụi; hỗ trợ chi phí ảnh hưởng khói bụi, tiếng ồn cho những hộ dân sống gần khu vực khai thác…
Cùng với sự giám sát, kiểm tra của ngành chức năng tỉnh, thời gian qua, HĐND huyện Hữu Lũng đã tăng cường giám sát chuyên đề về môi trường trong hoạt động khai thác đá, giám sát việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát về công tác bảo vệ môi trường, kịp thời nhắc nhở các đơn vị sớm có biện pháp khắc phục. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, 25 lượt kiến nghị về môi trường do ảnh hưởng từ khai thác đá tại các mỏ khác trên địa bàn huyện đã được HĐND, UBND các cấp, phòng chức năng của huyện Hữu Lũng xử lý, giải quyết. Ông Trịnh Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hữu Lũng cho biết: Nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri, phòng đã phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan tăng cường giám sát hoạt động tại các mỏ khai thác đá. Đến nay tình hình khai thác của các cơ sở đã đảm bảo hoạt động theo đúng theo quy định, những ý kiến của người dân cơ bản được xem xét, giải quyết.
Ông Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc kỹ thuật Mỏ đá Ao Si thuộc Công ty TNHH Hoàng Khánh cho biết: Thời gian qua, công ty đã có các giải pháp khắc phục tình trạng bụi như tưới nước phun sương dập bụi, thuê xe bồn tưới nước dọc tuyến đường để giảm bụi. Cùng với đó, công ty cũng đầu tư kinh phí hơn 750 triệu đồng làm gần 600 m đường giao thông, khắc phục tình trạng do vận chuyển khiến đường xuống cấp.
Với sự vào cuộc giải quyết kịp thời, hoạt động khai thác đá tại địa bàn huyện Hữu Lũng dần đi vào nền nếp, giảm sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Chị Nông Thị Sắp, thôn Chục Quan, xã Yên Vượng cho biết: Gia đình tôi sinh sống sát mỏ khai thác đá Đồng Bà Ký của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kim Thạch Phát. Trước năm 2019, mỗi khi mỏ đá nổ mìn khai thác hay vận chuyển thì khói bụi, đá rơi ảnh hưởng đến cây cối, hoa màu và cuộc sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn. Thời gian qua, công ty đã có nhiều nỗ lực khắc phục, hỗ trợ cho người dân. Đến nay, hiện tượng đá văng do nổ mìn đã không xảy ra, bụi cũng đã giảm, chúng tôi sinh hoạt thuận tiện hơn.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã đóng góp tích cực cho công tác phát triển kinh tế – xã hội, thu ngân sách tại địa phương. Mặc dù các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn đã có những giải pháp khắc phục để giảm tiếng ồn, phát tán bụi, khắc phục những tuyến đường xuống cấp tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường sống cho Nhân dân, các cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Hữu Lũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động của các mỏ khai thác đá.
“Trong tháng 10/2022, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp kiểm tra thực tế để xem xét kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh năm 2018, 2019; vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn huyện Hữu Lũng liên quan đến ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra thực tế tại một số mỏ khai thác tại các xã Yên Vượng, Thanh Sơn cho thấy các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp khắc phục đáng kể những ảnh hưởng về tiếng ồn, phát tán bụi, khắc phục những tuyến đường xuống cấp…”. Ông Hoàng Văn Tài, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế, Ngân sách HĐND tỉnh |
PHONG LINH/baolangson.vn