Sáng 12/11, tại thành phố Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình Hội diễn cồng chiêng, múa xoang dành cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn.
Theo đó, Hội thi được tổ chức nhằm Chào mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), thu hút 18 đơn vị với gần 900 em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trình diễn.
Hội diễn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, giúp các em học sinh nhận thức được giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp phần giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Các em học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum trình diễn cồng chiêng, múa xoang. |
Các em học sinh đã mang đến Hội diễn những phần trình diễn đẹp mắt, mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nổi bật như phần tái hiện Lễ mừng lúa mới của người Bahnar; lễ Pơ Thi (bỏ mả) của người Gia Rai và lễ cúng nước giọt...
Em Y Sê Ba (lớp 7, Trường trung học cơ sở xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được nhà trường chọn tham gia biểu diễn cồng chiêng và múa xoang. Em cảm thấy rất vui và tự hào khi được trình diễn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình".
Các em học sinh dân tộc thiểu số tái diễn lễ cúng nước giọt. |
Phát biểu tại Hội diễn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Đinh Thị Lan cho biết: Hội diễn là dịp để thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, tạo không khí vui chơi lành mạnh, bổ ích, trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh các trường, góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội diễn nhìn từ trên cao. |
Hội diễn cồng chiêng, múa xoang học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tại tỉnh Kon Tum góp phần tạo cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Từ đó, cho ra đời nhiều đội cồng chiêng “nhí” tại trường học, tạo tiền đề cho việc tiếp nối giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ở các cộng đồng.
PHÚC THẮNG/nhandan.vn