Tỉnh táo để không mắc “bẫy” việc làm

Chủ nhật, 13.11.2022 | 00:00:00
724 lượt xem

Hiện nay, tân sinh viên của các trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu năm học mới. Với mong muốn phụ giúp gia đình và tích lũy kinh nghiệm, nhiều sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã tìm việc để làm thêm. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên các bạn sinh viên mới dễ trở thành mục tiêu nhắm đến của các đối tượng lừa đảo.

Để tránh mắc phải "bẫy" việc làm, mỗi sinh viên cần tỉnh táo, nâng cao ý thức cảnh giác; các nhà trường cũng cần tích cực vào cuộc hướng dẫn, giới thiệu việc làm phù hợp cho sinh viên.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo

Tin vào những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội như thu nhập cao, công việc đơn giản, thời gian phù hợp... gần đây có không ít sinh viên trở thành nạn nhân hoặc vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo. Bạn Nguyễn Trần Minh Ng, sinh viên năm thứ nhất, Khoa Kế hoạch và phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa nhập học đã trở thành nạn nhân.

Minh Ng cho biết: “Thông qua mạng xã hội, em tìm được công việc là ghim mác quần áo. Bên thuê yêu cầu em phải đặt cọc thì mới giao hàng để làm. Hai lần đầu mọi việc diễn ra theo đúng thỏa thuận, đến lần thứ ba, do số lượng hàng lớn, em phải đặt cọc gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền đặt cọc thì em không nhận được hàng và cũng không thể liên lạc được với họ... Em nghĩ việc đặt cọc cũng là hợp lý nhưng không ngờ đây là một bẫy lừa”. 

Tỉnh táo để không mắc “bẫy” việc làm

"Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0" do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thu hút nhiều sinh viên. 

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, việc các tân sinh viên bị lừa đảo qua mạng xã hội không phải chuyện hiếm. Trong đó, nổi bật là chiêu lừa đảo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online. Theo đó, người tham gia phải đặt mua các sản phẩm theo chỉ định và thanh toán tiền, sau đó sẽ được hoàn lại số tiền đã thanh toán, đồng thời được hưởng hoa hồng.

Mới đầu, người tham gia được hoàn tiền đầy đủ, song đến các nhiệm vụ cần nạp số tiền lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng thì không được hoàn trả. Bên cạnh đó, một hình thức không mới nhưng vẫn có nhiều sinh viên bị lừa, đó là bán hàng đa cấp. Thủ đoạn của bán hàng đa cấp là phải lôi kéo thật nhiều người vào đường dây của mình để thành lập nhóm, thành viên càng đông thì số tiền được hưởng càng nhiều, vì mỗi người khi tham gia đều phải nộp một khoản tiền để mua sản phẩm. 

Thầy Nguyễn Đức Trọng, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Du lịch và khách sạn cho biết: “Các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những tân sinh viên có tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, hay muốn có những trải nghiệm mới mẻ. Thực tế không phải ai giới thiệu việc làm cho sinh viên cũng vì mục đích lừa đảo. Tuy nhiên, các bạn sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất cần cảnh giác trước những lời mời gọi làm việc với thu nhập cao bất thường, bởi tân sinh viên chưa có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc thì không thể đạt mức lương hấp dẫn”.

Giúp sinh viên tìm việc làm phù hợp

Qua tìm hiểu thực tế tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chúng tôi được biết, ngay trong tuần lễ sinh hoạt đầu năm, nhà trường đã chú trọng thông tin về những “bẫy” việc làm, các dấu hiệu lừa đảo... tới tân sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên đăng tải các thông tin chỉ rõ những chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo việc làm lên website của trường, từ đó giúp sinh viên nâng cao nhận thức, rút ra những bài học bổ ích cho mình nhằm tránh bị lừa đảo.

Mặt khác, đoàn thanh niên nhà trường cũng thường xuyên tổ chức giới thiệu công việc làm thêm đã được kiểm chứng, với sự mô tả công việc cụ thể, mức lương rõ ràng để sinh viên có nhu cầu tìm việc lựa chọn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Không nên tin vào quảng cáo "việc nhẹ lương cao". Nếu thông tin tuyển dụng đưa ra mập mờ thì các bạn sinh viên nên từ chối. Trường hợp sinh viên chưa đủ khả năng để sàng lọc thông tin, chưa tin tưởng vào vị trí việc làm đang tìm hiểu thì hãy đến các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn cụ thể.

Để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, vừa qua, chúng tôi đã tổ chức “Ngày hội việc làm năm 2022” và “Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, thu hút gần 2.000 sinh viên tham gia. Nhiều doanh nghiệp đã đến “Ngày hội việc làm năm 2022” để tuyển dụng nhân sự với mức lương từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên, sinh viên nói riêng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm cho đối tượng sinh viên. Tôi cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà trường và các cơ quan chức năng, điều quan trọng nhất là các bạn sinh viên cần trau dồi kỹ năng sống, nâng cao trình độ, kinh nghiệm để không mắc vào "bẫy" việc làm”.


Huyền Trang/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tinh-tao-de-khong-mac-bay-viec-lam-710857

  • Từ khóa