Với chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phụ nữ cùng với quyết tâm “Không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau”, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, phụ nữ ở địa bàn khó khăn trong tiến trình thực hiện khát vọng phát triển và bình đẳng.
Tối 25/11, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”.
Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án thành phần số 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi” giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban Điều hành Dự án cấp Trung ương; chủ động xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án; tổ chức tập huấn, hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh trong tham mưu xây dựng kế hoạch; kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án.
Sự kiện truyền thông “Khát vọng phát triển cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” là một trong những sự kiện có tính khởi đầu của Dự án 8, nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số; khích lệ, tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tiếp tục nỗ lực vươn lên vì sự bình đẳng và phát triển bền vững, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả trong buổi tọa đàm “Tiếng nói của phụ nữ”. |
Đồng chí Hà Thị Nga tin tưởng, thông qua những thước phim tư liệu, những câu chuyện sẻ chia tại sự kiện, mỗi đại biểu sẽ hiểu hơn về đời sống, tình cảm và những những ước mơ hạnh phúc chính đáng của phụ nữ và trẻ em, để cùng nhau cam kết “chung tay hành động vì bình đẳng giới”, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, “xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới”, “khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra buổi tọa đàm “Tiếng nói của phụ nữ”. Tọa đàm là những câu chuyện về hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng của các diễn giả là những gương phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình, đại diện cho các chị em dân tộc thiểu số Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới và khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức; lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng, góp phần dựng xây quê hương, đất nước…
Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm “Khát vọng Phát triển”. Triển lãm gồm ba chủ đề trưng bày: “Rào cản cuộc sống”; “Sự thay đổi và điều mong đợi”; “Vì một niềm hạnh phúc trọn vẹn”, với những câu chuyện về việc nhà, sinh kế, về những vấn đề xã hội như: tảo hôn; tục “nối dây”, gánh nặng kép trong gia đình mẫu hệ…
Triển lãm giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt. Đồng thời, cảm nhận sâu sắc khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ trong thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân.
Chất liệu chính của triển lãm là những hình ảnh, thước phim sống động, câu chuyện được sẻ chia chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng.
MINH THÚY/nhandan.vn