Ngày 2-12, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Bảo bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021-2025.
Bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tập huấn có lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội...
Bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, gần 100 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực miền Trung-Tây Nguyên được các báo cáo viên đến từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ một số nội dung về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em; những quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; một số chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí...
Theo bà Mai Hương Giang, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, hội nghị nhằm cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời cập nhật hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Đại biểu các cơ quan thông tấn báo chí tham dự hội nghị tập huấn |
Bà Mai Hương Giang nhấn mạnh, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền các vấn đề về trẻ em trên môi trường mạng. Để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả này, đội ngũ những người làm báo cần được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em; tích cực chia sẻ các giá trị đạo đức trong truyền thông, góp phần giúp đỡ trẻ em tránh bị xâm hại trên môi trường mạng.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, khảo sát mới đây cho thấy trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5-7 tiếng/ngày vào mạng xã hội.
Quang cảnh hội nghị tập huấn do Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức |
Cùng với những mặt tích cực, mạng xã hội cũng không tránh khỏi những tiêu cực nhất định. Theo đó, thông qua tổng đài 111, từ năm 2021 đến tháng 7-2022, có 688 cuộc gọi đề nghị được tư vấn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; cách sử dụng internet tương tác an toàn; tư vấn khi trẻ bị dụ bỗ.
Thống kê của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022, có hơn 145.000 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực trẻ em, thu hút sự quan tâm của dư luận. Các cơ quan báo chí cơ bản đã phát huy sứ mệnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và trẻ em trong việc hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên môi trường mạng…
NGUYỄN HỒNG SÁNG/qdnd.vn