Trên hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nghệ nhân luôn đóng vai trò quan trọng. Do đó, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, tạo động lực để các nghệ nhân tích cực gìn giữ, trao truyền di sản.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 nghệ nhân dân gian nắm giữ các loại hình di sản văn hóa phi thể như: tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… Di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu, vì thế nghệ nhân là người có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển của di sản. Họ chính là những người trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, các nghệ nhân vẫn hằng ngày, hằng giờ gìn giữ, trao truyền di sản bằng sự nhiệt huyết và đam mê, bằng trách nhiệm với cộng đồng.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bông, huyện Tràng Định truyền dạy các làn điệu hát Then, đàn tính cho thành viên Câu lạc bộ Cẩu Pung, huyện Tràng Định
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Chăm lo tới các nghệ nhân là việc làm giúp duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, thời gian qua, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp như: vinh danh khen thưởng các nghệ nhân; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa với vai trò hạt nhân của các nghệ nhân; mời các nghệ nhân tham gia truyền dạy di sản văn hóa cho thế hệ trẻ; hỗ trợ, mời các nghệ nhân trình diễn, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh…
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, ngành VHTT&DL tổ chức từ 3 đến 5 đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động giao lưu tại một số sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh. Song song với đó, tại các sự kiện lớn, ngành tổ chức nhiều hoạt động trình diễn di sản có sự tham gia của các nghệ nhân như: hát dân ca, múa sư tử mèo, trình diễn nghề dệt vải, nhuộm chàm, đan lát, làm bánh, quay vịt, quay lợn… Đặc biệt, trong năm 2020, ngành VHTT&DL đã tổ chức thành công Liên hoan dân ca toàn tỉnh lần thứ nhất, thu hút khoảng 400 lượt nghệ nhân tham gia, năm 2022, tổ chức hội thi múa sư tử mèo với sự tham gia của gần 300 lượt nghệ nhân…
Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập Hội Bảo tồn dân ca; Hội Di sản văn hóa để tập hợp, nuôi dưỡng, phát huy tinh thần, nhiệt huyết, niềm đam mê của các nghệ nhân đối với di sản. Thông qua tổ chức hội này, từ năm 2017 đến nay, các cấp, ngành đã phối hợp với Hội Bảo tồn dân ca tỉnh và các nghệ nhân, chủ thể văn hóa tổ chức gần 400 lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho hàng nghìn học viên trên địa bàn tỉnh.
Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hiện, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, người có thâm niên gần 40 năm múa sư tử mèo cho biết: “Tôi rất vui khi được cơ quan liên quan của tỉnh mời tham gia truyền dạy múa sư tử mèo tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Bắc Sơn và được mời trình diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh. Thông qua những hoạt động này, tôi càng thấy tự hào hơn vì mình đã có cơ hội để quảng bá về di sản văn hóa dân tộc đến công chúng”.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, ngành VHTT&DL đã triển khai tổ chức thực hiện việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua 3 lần tổ chức xét tặng, tỉnh đã gửi 46/50 hồ sơ đủ điều kiện để triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục xét tặng theo quy định. Nhờ đó, đến nay, Lạng Sơn có 34 nghệ nhân được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu, trong đó có 5 nghệ nhân nhân dân và 29 nghệ nhân ưu tú. Đáng chú ý, năm 2022, ngành VHTT&DL đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng chính sách và hỗ trợ 11 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số. Qua đó, khích lệ, động viên các nghệ nhân cống hiến nhiều hơn nữa đối với công tác bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể.
Nghệ nhân Nhân dân Hà Mai Ven, 54 tuổi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: Sau khi được vinh danh nghệ nhân nhân dân tháng 9/2022, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa với di sản văn hóa dân tộc nói chung và dân ca Tày, Nùng nói riêng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu và truyền dạy vốn dân ca truyền thống để vun đắp cho các thế hệ sau tình yêu văn hóa dân tộc.
Sự động viên kịp thời và tạo điều kiện cho các nghệ nhân đã góp phần củng cố, nâng cao tính chuyên sâu của hoạt động văn hóa ở cơ sở; khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 1 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đặc biệt, chỉ từ vài câu lạc bộ văn hóa, dân ca năm 2010, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 CLB, đội văn hóa, văn nghệ dân ca truyền thống với hơn 1.000 hội viên…
Tin tưởng rằng, các nghệ nhân sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình để bảo tồn, trao – truyền giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng các địa phương trên cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
TUYẾT MAI/baolangson.vn
https://baolangson.vn/van-hoa/545459-tao-dong-luc-de-nghe-nhan-gin-giu-trao-truyen-di-san.html