Mỗi mùa xuân về, bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh lại vui tươi, phấn khởi hơn vì đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Vào dịp Xuân Quý Mão này cũng vậy, bà con vui tươi, phấn khởi hơn bởi nhiều chính sách dân tộc được thực hiện hiệu quả giúp bà con giảm nghèo, cải thiện đời sống…
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ dân tộc Dao, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình
Hiện dân số tỉnh Lạng Sơn có hơn 800 nghìn người, trong đó khoảng 84% là người DTTS, với các dân tộc chủ yếu như: Nùng, Tày, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông. Để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, hằng năm, các cấp, ngành trong tỉnh triển khai công tác dân tộc gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Với chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua, ban đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn; phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch, quyết định, đề án liên quan đến công tác dân tộc, trong đó, trọng tâm là thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 và năm 2022 (chương trình mục tiêu quốc gia).
Các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cũng chủ động triển khai các chương trình, đề án, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS. Điển hình như thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về giao mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022, trong đó năm 2022 giao hơn 600 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tham mưu và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em… Đến nay, các dự án thuộc chương trình đang được tổ chức triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh.
Đáng chú ý là việc các cấp, ngành liên quan trong tỉnh thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025”, qua đó đạt kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Cụ thể, các cấp, ngành liên quan đã đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Trong năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được hơn 3.000 cuộc với hơn 153.000 lượt người nghe; 11/11 huyện, thành phố và cấp tỉnh tổ chức diễn đàn trẻ em. Đồng thời, duy trì mô hình bình đẳng giới phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mỗi tổ chức chính trị – xã hội, địa phương. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, vai trò chủ động của phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới. Chị Ngô Thị Huệ, thôn Bản Quang, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình cho biết: Sau khi tham dự các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, chúng tôi được nâng cao hiểu biết. Từ đó chủ động bàn bạc, chia sẻ các công việc trong gia đình với chồng. Đồng thời, chúng tôi cũng tự tin, tích cực hơn khi tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại thôn, xã.
Ngoài ra, các chương trình, đề án khác liên quan đến vùng DTTS cũng đã và đang được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ như: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”; lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 – 2025”…
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân toàn tỉnh, trong đó có vùng đồng bào DTTS có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 7,13%; thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% so với năm 2021; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia; 165/181 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 91,16%; 71,04% thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 85/181 xã, chiếm 47,0%, bình quân 1 xã đạt 12,92 tiêu chí…
Việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc có ý nghĩa quan trọng với đồng bào DTTS, giúp đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên.
Minh Khang/baolangson.vn
https://baolangson.vn/xa-hoi/552620-mang-mua-xuan-ve-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html