Nhiều năm qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN) đã được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, tổ chức, qua đó góp phần phát huy tốt các giá trị giáo dục thẩm mĩ và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong các nhà trường.
Phong trào VHVN có vai trò quan trọng trong hoạt động giáo dục của nhà trường. Đây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Chính vì vậy thời gian qua, phong trào VHVN đã được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển tương đối rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh. Theo đó, trên cơ sở phát huy các lợi thế, thế mạnh về văn nghệ của từng cấp học, từng đơn vị, trường học trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và duy trì có hiệu quả nhiều hoạt động văn nghệ mang tính tập thể như: múa hát tập thể, thi hát đồng ca, giao lưu biểu diễn văn nghệ giữa các cấp học…
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn tập luyện các tiết mục văn nghệ
Thực tế, có dịp chứng kiến cô trò của các nhà trường tập luyện tiết mục, chương trình VHVN, mới cảm nhận hết được sự nỗ lực của các thành viên đội văn nghệ khi vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa dành thời gian luyện tập. Như tại hội thi “tiếng hát tuổi trăng tròn” được các trường THPT tổ chức hồi tháng 10, 11/2022 vừa qua. Tại đây, các học sinh biểu diễn nhiều tiết mục có tính chuyên nghiệp về cả khâu lựa chọn tác phẩm, chuẩn bị trang phục biểu diễn, đạo cụ phụ trợ cho tới cách biểu diễn, trình bày tiết mục. Các tiết mục đa dạng về thể loại như múa hát tập thể, đơn ca, biểu diễn nhạc cụ… và đều thể hiện được rất rõ tài năng của các học sinh dự thi và công tác chuẩn bị chu đáo của nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Minh Lý, Bí thư Đoàn Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm học, Ban Chấp hành Đoàn trường đã triển khai chương trình hội thi tới các chi đoàn khối 10, hướng dẫn các chi đoàn đăng ký, lựa chọn tiết mục và tổ chức tập luyện. Các tiết mục được lựa chọn đặc sắc từ múa dân gian đến nhảy hiện đại và hát nhạc, phù hợp với lứa tuổi học trò, có sự đầu tư dàn dựng công phu, được đông đảo khán giả hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình.
Theo đánh giá của ngành giáo dục, nếu như trước đây, các hoạt động, phong trào VHVN chỉ tập trung ở các loại hình kịch, múa dân gian, ngâm thơ, kể chuyện, nhạc kịch, hát… thì những năm gần đây, phong trào đã có những biến đổi phù hợp với xu thế của giới trẻ. Trong đó, ở khối trường THPT có thế mạnh về nhảy và múa hiện đại; các trường cấp tiểu học và THCS có nhiều lợi thế về đàn, ca, đội kèn trống nghi thức; các trường mầm non lại có thế mạnh về múa. Bên cạnh đó, để phát triển hoạt động VHVN, các nhà trường đã chú trọng thành lập các CLB VHVN, hiện toàn tỉnh có trên 500 CLB. Các CLB hoạt động hiệu quả đã tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh; góp phần nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ cho những thành viên có hướng lựa chọn con đường nghệ thuật trong tương lai.
Nhằm đưa các hoạt động VHVN trong trường học được tổ chức hệ thống, bài bản, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn đưa vào giảng dạy các làn điệu dân tộc, xây dựng các CLB văn nghệ dân gian. Nổi bật như các CLB hát then, đàn tính tại các trường: THPT Dân tộc nội trú tỉnh, THPT Lương Văn Tri, Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan… Em Triệu Tuấn Minh, lớp 8A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Văn Quan chia sẻ: Khi tham gia CLB hát then của trường, chúng em thường xuyên được tham gia biểu diễn, đóng góp tiết mục tại các hội diễn, biểu diễn văn nghệ như tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, lễ kỷ niệm Ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri, lễ kỷ niệm ngày thành lập trường… Qua đó, giúp em có kỹ năng, tự tin hơn trong các phong trào cũng như tích cực hơn trong nhiệm vụ học tập.
Với hơn 206.000 học sinh, sinh viên tại 670 đơn vị trường học, thông qua phong trào VHVN không chỉ góp phần phát triển năng lực toàn diện, tăng tính tự tin trong giao lưu, giao tiếp cho học sinh mà còn kịp thời phát hiện những năng khiếu văn nghệ để lựa chọn, bồi dưỡng, xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng đa dạng, phong phú và ngày càng phát triển mạnh.
HOÀNG TÙNG