Nhằm bảo vệ người lao động từ sớm, từ xa, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được các cấp công đoàn chú trọng. Các cấp công đoàn đã có 1.365 văn bản góp ý chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động gửi tới các cơ quan liên quan ở địa phương, ngành.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động nghiên cứu, tham gia góp ý vào các dự án luật, hồ sơ đề nghị xây dựng luật và văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều đề xuất góp ý của công đoàn đã được bộ phận soạn thảo tiếp thu đưa vào dự thảo luật. Phát huy vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng bình quân 6% từ ngày 1/7/2022.
Năm 2022, các cấp công đoàn chủ trì tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 26.600 cuộc giám sát; phối hợp tổ chức hơn 3.600 cuộc phản biện về các chế độ, chính sách, tình hình thực hiện các quy định pháp luật liên quan quyền lợi đoàn viên, người lao động; thực hiện gần 73 nghìn cuộc tư vấn pháp luật cho hơn 200 nghìn lượt lao động; đại diện khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân hơn 1.500 vụ; hỗ trợ, đại diện gần 2.000 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giúp người lao động nhận được số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, tình trạng đơn hàng suy giảm khiến hàng nghìn doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ... thiếu và bị cắt giảm đơn hàng. Hơn 546 nghìn lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp đến, dễ gây bất ổn, nảy sinh bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2022, cả nước xảy ra 157 cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ quan hệ lao động, tăng 50 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số hơn 102 nghìn lao động tham gia.
Các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ngừng việc tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày. Khi xảy ra ngừng việc, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực tham gia ổn định tình hình, phối hợp liên ngành hỗ trợ các bên giải quyết. Qua đó, đa số các đề xuất, kiến nghị chính đáng của người lao động được doanh nghiệp đồng thuận, cam kết thực hiện.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình lao động, đề xuất với doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại, tiếp tục sử dụng người lao động. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động phải bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật. Kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ một số giải pháp nhằm giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường lao động.
Một nhiệm vụ ưu tiên trước hết ngay từ đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp, đó là tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, theo dõi sát tình hình quan hệ lao động, tình hình giảm việc làm, mất việc làm với phương châm “không để người lao động nào không có Tết”. Công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin từ công đoàn cơ sở, các biện pháp để phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra.
Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, kịp thời phối hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra trong thời gian dài, lây lan và bị các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng kích động, gây mất an ninh trật tự, an ninh chính trị, an toàn xã hội. Từ những hành động kịp thời của công đoàn các cấp, góp phần phòng ngừa các tranh chấp lao động nảy sinh, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Theo báo cáo nhanh từ các cấp công đoàn, đến nay, tất cả các liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố đều tổ chức các hoạt động mang đậm dấu ấn riêng trong nhiều năm qua như: Tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần chi phí phương tiện để đoàn viên, người lao động về quê đón Tết, trở lại làm việc. Tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết.
Tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Ngoài phần chăm lo chủ động của công đoàn cơ sở cho đoàn viên, người lao động, công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ cho khoảng một triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng/người từ nguồn tài chính công đoàn; tổng kinh phí dự kiến là 500 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong các hoạt động chăm lo đoàn viên, người lao động năm 2023 là chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” được triển khai tại 22 tỉnh, thành phố có đông người lao động, nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số, ở khu vực trung du, miền núi, biên giới. Mỗi chương trình có từ 40 đến 120 gian hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa với giá ưu đãi từ 15% đến 70%. Có tổng số 250 nghìn lượt đoàn viên, người lao động tới tham gia chương trình được phát phiếu quà tặng miễn phí và phiếu ưu đãi từ chương trình.
THÁI SƠN/nhandan.vn
https://nhandan.vn/bao-ve-nguoi-lao-dong-tu-som-tu-xa-post735664.html