Đồng bộ giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông

Chủ nhật, 19.02.2023 | 00:00:00
916 lượt xem

Tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, mở rộng, nâng cấp các công trình thiết yếu... cần tổ chức giao thông hợp lý, phát triển hơn nữa vận tải hành khách công cộng.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, tại Hà Nội, ùn tắc giao thông tiếp tục gia tăng, có hiện tượng ùn tắc cục bộ tại các tuyến đường đang thi công. Đặc biệt, vào những ngày mưa lớn thì hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra trên diện rộng và kéo dài, nhiều phương tiện bị chết máy, ngập nước, gây thiệt hại cho người dân. Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng ùn tắc giao thông cũng diễn ra thường xuyên, nhất là trên các tuyến phố chính, trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất. Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông do tai nạn, sự cố phương tiện, ngoài ra còn có các yếu tố khác như thiên tai, thời tiết, mưa lớn gây ngập đường, lưu lượng phương tiện đông, thi công, sửa chữa đường...

Đồng bộ giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông
Vào giờ cao điểm, nhiều tuyến phố tại Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: PHẠM HƯNG 

Đánh giá về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, một số khu vực như xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái có mật độ phương tiện cao dẫn đến các tuyến đường thường xuyên quá tải vào ngày cuối tuần, giờ cao điểm và các khung giờ có sự giao thoa giữa dòng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố với phương tiện vận tải. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là do phương tiện cá nhân tăng nhanh, hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có loại hình vận tải khối lượng lớn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn xảy ra ở nhiều nơi...

Đối với giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, theo ông Nguyễn Thành Lợi, TP Hồ Chí Minh đang triển khai hai nhóm giải pháp, trước hết là tập trung thi công các công trình hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên khép kín tuyến đường vành đai 2, công trình kết hợp chống ngập và chống ùn tắc giao thông, mở rộng một số nút giao, tuyến phố chính. Đối với nhóm giải pháp phi công trình, thành phố nghiên cứu hạn chế phương tiện cá nhân và sớm triển khai đề án thu phí phương tiện vào nội đô; nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt, bổ sung thêm phương tiện, phát triển đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, đầu tư cho các tuyến đường thủy nội địa...

Triển khai nhiệm vụ bảo đảm ATGT năm 2023, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn, các địa phương có đông khách du lịch xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện những giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông. Trong đó, lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông thường xuyên khảo sát, cập nhật các bất cập, điểm ùn tắc giao thông để có giải pháp phân luồng, điều tiết, tổ chức giao thông hợp lý. Tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường; ưu tiên sử dụng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ và bố trí trạm dừng đón, trả khách cho xe buýt; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố. Đồng thời, tích hợp kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ cho vận tải công cộng và các phương thức vận tải bền vững khác như đi bộ, xe đạp trong quy hoạch tổng thể; tổ chức kết nối thuận tiện để người dân sử dụng vận tải công cộng, đặc biệt là kết nối đến nhà ga đường sắt đô thị, trạm dừng các tuyến xe buýt nhanh (BRT), xe buýt lớn. Với các giải pháp đồng bộ, việc cải thiện ùn tắc giao thông hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.


Mạnh Hưng/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dong-bo-giai-phap-khac-phuc-un-tac-giao-thong-719309

  • Từ khóa