Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiểm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Để đảm bảo an toàn tại những nơi này cần có các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là ý thức tự giác của mỗi người dân.
Lạng Sơn hiện có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 120 km đi qua 5 huyện và thành phố Lạng Sơn. Trên các tuyến hiện có 28 đường ngang có gác chắn, trong đó 2 đường ngang có cảnh báo tự động, 18 đường ngang có gác chắn, 8 đường ngang có phòng vệ biển báo đầy đủ. Còn lại 167 đường ngang dân sinh qua đường sắt không có rào chắn. Tại các đường ngang dân sinh tự mở, hầu hết đã được cơ quan chức năng gắn biển “chú ý tàu hỏa”. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, thiếu quan sát, thậm chí băng qua đường ngang khi sắp có tàu đi tới. Ngay cả ở những nơi có gác chắn, nhiều người vẫn cố tình vượt qua gác chắn.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn đường ngang qua đường sắt tại Km81+250 thuộc địa bàn xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng
Theo ghi nhận của phóng viên, hồi 15 giờ ngày 6/3/2023, tại khu vực gác chắn (km 144+826 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, thuộc cung Yên Trạch) trên đường Hùng Vương, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, khi có tàu chuẩn bị đi qua và nhân viên trực gác vào vị trí kéo rào chắn ngăn người và các phương tiện tham gia giao thông qua lại để đảm bảo an toàn thì có 2 thanh niên chở nhau trên xe máy vẫn cố tình vượt qua rào chắn, bất chấp nguy hiểm. Chị Vi Thị Thu Thủy, nhân viên gác chắn tại đây cho biết: Chúng tôi thường xuyên gặp những tình huống rất bất ngờ khi nhiều người cố tình vượt rào chắn, bất chấp tín hiệu cảnh báo có tàu đến để qua đường. Thậm chí nhiều người còn dùng những lời lẽ không chuẩn mực để chửi bới, đe dọa hành hung khi nhân viên gác chắn làm nhiệm vụ…
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà khi phóng viên đi tác nghiệp và ghi nhận được. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, thời điểm hiện tại mỗi ngày trên tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng có từ 3 đến 5 chuyến tàu chở hàng hóa đi qua. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt làm chết 4 người.
Thiếu tá Dương Hoàng Anh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường sắt – Đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Phần lớn các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt, nguyên nhân chính đều xuất phát từ ý thức chủ quan, không chấp hành hệ thống cảnh báo, rào chắn, đèn, còi được gắn tại các chốt.
Để bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT đường sắt, lực lượng CSGT đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành quy tắc ATGT, kết hợp giữa tuyên truyền với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đội cũng thường xuyên kiểm tra việc lắp đặt các rào chắn đảm bảo ATGT tại các lối đi dân sinh giao nhau với đường sắt…
Theo đó, chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Đội CSGT Đường sắt – Đường thủy đã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền lồng ghép gắn với tổ chức tuần tra, kiểm soát được 45 ca với trên 130 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, kiểm tra 125 lượt đường ngang có gác chắn, 35 lượt nhà ga, 6 lượt cung đường… Qua kiểm tra, kiểm soát phát hiện 18 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông tại đường ngang (4 ô tô, 14 mô tô) với các lỗi: không tuân thủ tín hiệu đèn cảnh báo, không nghe theo hiệu lệnh nhân viên chắn gác… Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong năm 2022, đội CSGT các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép về Luật Đường sắt được 72 buổi với 18.638 người nghe; xây dựng 2 phim khoa giáo tuyên truyền ATGT cho đối tượng là học sinh cấp tiểu học, THCS, THPT…
Ông Trần Văn Anh, Trưởng thôn Xóm Chùa, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Địa bàn thôn Xóm Chùa có tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng đi qua và có điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt tại Km81+125. Những năm qua, người dân trong thôn luôn được các cấp, ngành quan tâm tuyên truyền về Luật Đường sắt, không vi phạm các quy định khi tham gia giao thông qua đường sắt, nhờ đó người dân trong thôn luôn ý thức được cần tuân thủ đèn tín hiệu, hiệu lệnh của nhân viên chắn gác… Qua đó, trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn thôn chưa có vụ TNGT đường sắt nào xảy ra.
Từ thực tế cho thấy, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, để đảm bảo ATGT đường sắt, góp phần phòng ngừa tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra thì người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành quy tắc ATGT khi lưu thông trên các đường ngang giao nhau với đường sắt…
Theo baolangson.vn