Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2021, bình quân mỗi năm có gần 750.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm...
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp báo thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh GIÁP TỐNG)
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này quy định, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, thì mức hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng... Đây là một trong những điểm mới về điều kiện và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì, soạn thảo) đề xuất tại dự thảo.
Mở thêm cơ hội cho người lao động
Tại buổi họp báo thông tin dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang lấy ý kiến với hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần: Phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành và phương án 2 là người lao động sẽ được rút một phần nhưng cao nhất không quá 50% thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Phương án 2 được sửa đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu. Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng cao nhất không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. "Với những quy định mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người lao động có đến bốn lựa chọn cho việc bảo lưu 50% thời gian đóng: Nếu tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội có thể chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng; tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần khi đến tuổi về hưu.
Giảm năm đóng, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn chia sẻ, trong giai đoạn 2016-2022, mỗi năm trung bình hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, năm 2022 số liệu thống kê cho thấy có hơn 895.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, phương án người lao động được rút 50% thời gian đóng và bảo lưu 50% còn lại để hưởng chế độ sẽ hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài cho người lao động. "Người lao động cần hiểu rằng, cùng với việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cũng đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội như tham gia tiếp để nhận lương hưu hoặc nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng sớm hơn thay vì chờ đến 80 tuổi".
Đồng tình với phương án để người lao động rút một phần thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, Phó trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng lại cho rằng, quy định sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội mới có thể rút bảo hiểm xã hội một lần cần được cân nhắc lại. Cơ quan soạn thảo có thể cân đối khoảng thời gian quy định để rút bảo hiểm xã hội một lần là khoảng ba tháng sau khi người lao động mất việc thì có thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó nếu vẫn không có việc làm, nguồn tiền nào khác thì có thể rút bảo hiểm xã hội một lần để kịp thời giải quyết khó khăn.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đưa ra quy định: giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 tuổi-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.
Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội mua thẻ bảo hiểm y tế.
Theo nhandan.vn