Thực hiện Đề án 1816: Đưa dịch vụ y tế hiện đại đến người dân

Thứ 3, 21.03.2023 | 15:03:21
886 lượt xem

Sau hơn 10 năm triển khai, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở, giúp người nhân được tiếp cận với những dịch vụ y tế hiện đại.

 Triển khai đồng bộ, toàn diện

Ngày 26/5/2008, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1816/ QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án 1816 thực hiện trong toàn quốc. Ngay sau khi có quyết định của Bộ Y tế, Sở Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch để đề án đi vào thực tiễn. Cụ thể như: sở đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 1816 (năm 2008); chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến từ bệnh viện tuyến tỉnh đến hệ thống y tế cơ sở đảm bảo phù hợp, từ đó phát triển chuyên môn kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội đào tạo chuyển giao kĩ thuật phẫu thuật chuyên ngành chấn thương, chỉnh hình cho cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Ông Phạm Đức Cơ, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y – Dược, Sở Y tế cho biết: Đề án 1816 góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở. Theo đó, các đơn vị trực thuộc đã tăng cường quán triệt, tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu của Đề án 1816; nguyên tắc và thời gian cử cán bộ đi luân phiên; chế độ đối với người đi luân phiên. Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể làm tốt.

Đi đôi với tuyên truyền, 100% các đơn vị khám, chữa bệnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện tại cơ sở, trong đó, nêu rõ các chỉ tiêu về tỉ lệ thực hiện kỹ thuật chuyên môn, chỉ tiêu thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến. Các bệnh viện tuyến tỉnh được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đã chủ động ban hành công văn gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, xã để tổng hợp nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trên cơ sở nhu cầu đề xuất, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến, chuyển giao các kỹ thuật phù hợp với nhu cầu thực tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới.

Là bệnh viện đa khoa tuyến đầu của tỉnh, bên cạnh việc tiếp nhận, chuyển giao kĩ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn quan tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển giao kĩ thuật cho các bệnh viện tuyến huyện. Bác sĩ Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đào tạo, chỉ đạo tuyến, cử cán bộ luân phiên chuyển giao kĩ thuật cho các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở. Bình quân mỗi năm, chúng tôi cử 1 – 3 lượt cán bộ, luân phiên chuyển giao 2 – 4 kĩ thuật cho các TTYT tuyến huyện, đào tạo chuyên môn cho 100 lượt cán bộ y tế tuyến cơ sở.

Với những cố gắng, nỗ lực của các đơn vị y tế trên địa bàn, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có 590 kĩ thuật mới được chuyển giao, trong đó, bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao 184 kĩ thuật cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh; 70 kĩ thuật được các bệnh viện tuyến tỉnh chuyển giao cho các bệnh viện tuyến huyện; 336 kĩ thuật được các bệnh viện, TTYT tuyến huyện chuyển giao cho các trạm y tế xã. Cùng với đó, các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức gần 200 lớp tập huấn cho hơn 1.000 lượt cán bộ y tế trên địa bàn; tại tuyến cơ sở, đã có 30 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao kĩ thuật cho hơn 600 lượt cán bộ y tế.

Đề án 1816 được triển khai tích cực, hiệu quả đã tạo đà cho sự phát triển của hệ thống y tế trên địa bàn với giá trị thiết thực, mang tính ưu việt cao như: nâng cao chuyên môn, tay nghề của cán bộ y tế tại các đơn vị; giảm tải tuyến trên, tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như kinh phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân, giúp người bệnh có thêm sự tin tưởng vào chuyên môn, tay nghề của các bác sĩ tỉnh nhà, từ đó an tâm điều trị tại tuyến dưới.

  Người dân được hưởng lợi

Trước đây, một số kỹ thuật hiện đại chưa được thực hiện ở các cơ sở y tế trên địa bàn, người dân phải tốn nhiều thời gian, chi phí khi điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương. Từ khi bắt đầu triển khai đề án đến nay, đã có hơn 30.000 lượt bệnh nhân được khám bệnh theo các kĩ thuật được chuyển giao, trên 400 bệnh nhân được phẫu thuật đảm bảo an toàn, hiệu quả từ các kĩ thuật đã được chuyển giao. Trong đó, có nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu có giá trị ứng dụng cao trong giai đoạn gần đây như: chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh, phụ sản; tai mũi họng; phẫu thuật ngoại khoa; mổ nội soi đã thực hiện được ngay tại các TTYT tuyến huyện đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo sự an tâm, hài lòng cho người bệnh.

Qua đó, người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với những kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí khám chữa bệnh. Bà Phan Thị Thu Yến, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi bị cao huyết áp và đái tháo đường hơn 7 năm nay. Trước đây, hằng tháng tôi phải nhờ con cháu sắp xếp công việc để đưa ra trung tâm y tế huyện khám, lấy thuốc điều trị. Khoảng 5 năm trở lại đây, tôi chỉ cần đến trạm y tế xã là được khám, cấp thuốc điều trị theo phác đồ, thi thoảng mới phải ra huyện để làm một số xét nghiệm cần thiết. Sức khỏe tôi đến giờ được duy trì ổn định, con cháu cũng yên tâm làm việc.

Nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là Đề án 1816, chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn được nâng cao. Đến nay, 100% bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện đảm hiện cử cán bộ luân phiên xuống các cơ sở y tế tuyến dưới đảm bảo chỉ tiêu về số lượng cán bộ và chất lượng chuyển giao kĩ thuật; tỉ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ luân phiên làm việc đạt 100%; các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện từ 70% trở lên các danh mục kĩ thuật theo phân tuyến; các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảm bảo thực hiện và phát triển ít nhất 2 kỹ thuật mới trở lên/1 năm…

Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước hiệu quả mà Đề án 1816 mang lại, năm 2023, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai; chủ động liên hệ với các cơ sở đào tạo và các bệnh viện tuyến trên trong việc tổ chức các lớp đào tạo, chuyển giao kĩ thuật. Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh xác định nhu cầu cần hỗ trợ của tuyến trên sát với thực tế nhằm đảm bảo cho các bệnh viện tuyến trên đáp ứng có hiệu quả các yêu cầu đề ra (về cơ cấu, số lượng, chất lượng cán bộ đến luân phiên, gói kĩ thuật cần được chuyển giao).

Với nỗ lực của ngành y tế, tin tưởng rằng Đề án 1816 ngày càng phát huy hiệu quả thực tế ở các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, đặc biệt là tuyến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, giảm tải cho tuyến trên. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn, tạo sự công bằng trong việc khám chữa bệnh tại các tuyến.

Bác sĩ Nguyễn Liên Hà, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

“Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở, vì ở cơ sở các bác sĩ tuyến dưới chưa có nhiều kinh nghiệm, lại thiếu trang thiết bị, ít bệnh nhân. Bản thân tôi và các đồng nghiệp năm 2022 đã được cử đến Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn để chuyển giao kỹ thuật điều trị Viêm gan vi rút B, C. Sau khi chuyển giao lý thuyết về phác đồ điều trị và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, chúng tôi đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, ngồi tại phòng khám cùng với các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn gặp gỡ bệnh nhân, chẩn đoán, xây dựng phác đồ điều trị. Từ đó, các bác sĩ của tỉnh có thêm kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng điều trị và chuyển giao cho tuyến huyện, xã. Bệnh nhân không cần phải chuyển tuyến trên mà vẫn được điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt từ cơ sở.


TRIỆU THÀNH - NGỌC HIẾU

https://baolangson.vn/xa-hoi/569195-thuc-hien-de-an-1816-dua-dich-vu-y-te-hien-dai-den-nguoi-dan.html


  • Từ khóa