Thông tư 02 của Bộ Giao thông vận tải về đăng kiểm đã chính thức có hiệu lực nhưng nhiều chủ xe vẫn chưa nắm rõ trường hợp nào được miễn, giãn kiểm định.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 22/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thông tư 02 không có điều kiện chuyển tiếp hay giá trị hồi tố. Vì thế, xe chưa đến hạn kiểm định vẫn tiếp tục đăng kiểm theo chu kỳ hiện tại.
Khi đăng kiểm chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện sẽ được cấp Giấy chứng nhận và tem kiểm định với chu kỳ mới nếu đạt tiêu chuẩn.
Đồng thời lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ, khó thực thi việc hồi tố do rất nhiều kiểm định viên đã bị khởi tố. Do đó, những xe đã đăng kiểm do lực lượng đăng kiểm cũ thực thi thì các đăng kiểm viên mới không thể chịu trách nhiệm.
"Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cân nhắc tới việc hồi tố nhưng liên quan tới pháp lý và trách nhiệm", vị lãnh đạo này cho hay.
Xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ không được kéo giãn chu kỳ đăng kiểm (Ảnh: Thế Hưng).
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Đăng Kiểm Việt Nam giải thích về việc không nới đăng kiểm tất cả các loại xe do sau 7 năm, đa phần các xe đã hết thời hạn bảo hành, linh kiện sẽ dần hư hỏng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định về niên hạn phụ tùng, phí môi trường, bảo dưỡng với xe cũ nên nhiều phương tiện vẫn lưu thông mà không được chú trọng bảo dưỡng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một số nước tương đồng về hạ tầng, phương tiện với Việt Nam như Trung Quốc chu kỳ kiểm định xe cá nhân trên 15 năm là 6 tháng. Tại Indonesia, quy định chu kỳ kiểm định lần thứ hai trở đi chỉ là 6 tháng.
"Bởi vậy, giữ nguyên chu kỳ kiểm định định kỳ 12 tháng đối với xe cũ sau 7 năm nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện là cần thiết", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.
Đối với ô tô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, nhóm này giữ nguyên chu kỳ đăng kiểm vì theo Cục Phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An, chu kỳ kiểm định so sánh với thế giới là đã dài hơn. Các nước trên thế giới họ quản lý nhóm này rất chặt chẽ, nhất là xe taxi. Thậm chí, nhiều nước trên thế giới ngay chu kì đầu đã là 12 tháng.
"Đau đầu nhất chính là nhóm này bởi có xe chạy hết quy định 7 năm sẽ không thể chạy taxi tiếp tục. Nhưng đội ngũ này sau 7 năm sẽ được thanh lý về xe cá nhân. Vì thế, Cục sẽ phải quản lý chặt chẽ hơn nhóm 1", ông An cho hay.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng lý giải việc phải giữ chu kỳ kiểm định 3 tháng đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ) bởi các loại xe này đa số là xe khách đã cũ nát sử dụng ở thành phố sau đó đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để hoạt động chở người, chở công nhân, học sinh vô cùng nguy hiểm mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua.
Việc giữ chu kỳ kiểm định này để kiểm soát chặt chẽ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vì mục tiêu an toàn của người dân.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-xe-nao-duoc-noi-chu-ky-dang-kiem-20230323113715594.htm