Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện nay vừa quản lý, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, nhưng lại vừa trực tiếp đăng kiểm nên dẫn đến bất cập, tiêu cực.
Hạ giá, cắt bớt công đoạn kiểm tra để thu hút xe đến đăng kiểm
Liên quan đến "đại án đăng kiểm", cuối tháng 3 vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, công an của 32 địa phương đã khởi tố 64 vụ án với 506 bị can đối với 7 tội danh. Số vụ án, số bị can dự báo chưa dừng lại.
Hậu quả, các đối tượng phạm tội đã trục lợi chính sách để hưởng lợi cá nhân với số tiền rất lớn. Ngoài ra, từ năm 2018 đến năm 2022, các đối tượng phạm tội đã cấu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở tại ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước, để kiểm định cho gần 40.000 xe cơ giới cải tạo.
Trong số gần 40.000 xe nói trên có rất phương tiện không đủ quy chuẩn nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định, nội dung này công an sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ. Điều này dẫn đến hậu quả nhiều phương tiện không đủ điều kiện được cấp giấy kiểm định, gây ra các hệ lụy về tai nạn giao thông, thiệt hại kinh tế và các vấn đề xã hội khác.
Về lý do ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, để giải quyết vấn đề này, một số cán bộ đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã đến các trung tâm để hỗ trợ.
"Theo quy định của việc đăng kiểm phương tiện xe cơ giới sẽ gồm 5 công đoạn với 55 hạng mục phải kiểm tra. Trước đây, phần lớn các trung tâm đăng kiểm không thực hiện đúng các bước đăng kiểm này, chỉ thực hiện một vài hạng mục để lấy tiền là xong. Còn hiện nay, các trung tâm phải thực hiện đủ 5 công đoạn với 55 hạng mục khi xe vào đăng kiểm nên việc ùn tắc là điều dễ hiểu", Trung tướng Tô Ân Xô giải thích.
Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện nay vừa quản lý, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm, nhưng lại vừa trực tiếp đăng kiểm nên dẫn đến bất cập, tiêu cực (Ảnh minh họa: Thế Hưng).
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, theo Trung tướng Tô Ân Xô, trước đây đã buông lỏng trong quy hoạch phát triển các trung tâm đăng kiểm, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng của các trung tâm đăng kiểm và số lượng xe cơ giới. Vì có lợi nhuận cao, có động cơ trục lợi chính sách nên các trung tâm đăng kiểm "mọc lên như nấm". Có những trung tâm không có xe đến đăng kiểm nên phải hạ giá đăng kiểm, cắt bớt các công đoạn kiểm tra để thu hút xe đến đăng kiểm, cạnh tranh nhau nhằm thu lợi nhuận, nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi,...
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện nay vừa làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc, vừa trực tiếp quản lý các trung tâm đăng kiểm của mình (có chữ V). Điều này dẫn đến bất cập một số đơn vị vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước như kiểm tra, giám sát công tác đăng kiểm, vừa thực hiện công việc đăng kiểm cho các phương tiện.
"Bất cập này là nguyên nhân dẫn đến vấn đề tiêu cực, buông lỏng quản lý. Các đơn vị tự kiếm tiền, tự trang trải, vừa quản lý nhà nước vừa kinh doanh nên mới dẫn đến hậu quả vừa qua. Hay nói cách khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đá bóng, vừa thổi còi", Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Đề xuất Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ quản lý nhà nước về đăng kiểm
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đang nghiên cứu đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ, phương tiện thủy thuộc các sở, hoàn thành trong quý II/2023 để trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét.
Dự thảo đề án nêu rõ, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được sắp xếp lại theo hướng Cục chỉ làm công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục sẽ thay đổi.
Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, 37 đơn vị trực thuộc Cục sẽ được tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm. Các trung tâm này sẽ thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ đang lưu hành, xe sản xuất mới, phương tiện thủy, tàu biển đường sắt và công trình biển.
"Sau khi tổ chức lại, các đơn vị này vẫn thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, Cục chỉ bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị. Các trung tâm hoàn toàn tự chủ, độc lập về tổ chức, tài chính, con người", Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc tách công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và đảm bảo công khai, minh bạch.
Nguyễn Dương/dantri.com.vn