Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), những năm qua, huyện Tràng Định đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm thiểu chênh lệch giới trên địa bàn.
MCBGTKS xảy ra chủ yếu là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Từ sự mong mỏi có con trai, một số gia đình đã lạm dụng những tiến bộ khoa học để thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi. MCBGTKS kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương như: nhiều ngành nghề sẽ biến động do thiếu lao động nữ; nam giới sẽ kết hôn muộn, khó kết hôn, thậm chí không thể kết hôn vì thiếu phụ nữ; gia tăng tình trạng bạo hành giới, mua, bán dâm, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em…
Tiểu phẩm “Chuyện thường của cán bộ dân số” do Đội thi dân số huyện Tràng Định biểu diễn tại Hội thi liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2021
Ông Đoàn Văn Nghị, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Tràng Định cho biết: Xác định được tầm quan trọng của việc giảm thiểu MCBGTKS, trong những năm qua, chúng tôi đã chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của việc MCBGTKS; chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tư vấn trực tiếp, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…; thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ giảm thiểu MCBGTKS…
Cụ thể, công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp ở 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, với hình thức phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả tích cực. Trong năm 2022, các xã, thị trấn đã thành lập mới 11 câu lạc bộ giảm thiểu MCBGTKS, nâng tổng số câu lạc bộ hiện có trên địa bàn huyện là 22, thành viên là cộng tác viên dân số, cán bộ chuyên trách dân số xã, cán bộ y tế xã… Các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt 1 lần/quý để thông tin về các biến động dân số, đồng thời triển khai các phương hướng tuyên truyền trong quý tiếp theo. Trong năm, các câu lạc bộ này đã tuyên truyền lồng ghép được gần 50 cuộc cho trên 2.300 lượt người nghe về các nội dung liên quan đến chênh lệch giới tính; tuyên truyền nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nhân các ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) với gần 1.000 người tham gia. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên dân số cũng tích cực sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để tuyên truyền chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình đến người dân.
Chị Hà Thị Thu, cán bộ chuyên trách dân số thị trấn Thất Khê cho biết: Thị trấn hiện có 1.121 hộ với 4.805 nhân khẩu. Trước đây, tỷ số chênh lệch giới trên địa bàn khá cao, năm 2018 là 148 bé trai/100 bé gái. Để giảm thiểu sự chênh lệch này, chúng tôi đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới đối với đời sống… trong đó, chúng tôi chú trọng tuyên truyền vào 2 nhóm đối tượng chính là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và gia đình mới sinh một con đầu là gái. Qua các hoạt động tuyên truyền, nhiều gia đình đã sinh con tự nhiên, không lựa chọn giới tính thai nhi, năm 2022 có 55 trẻ sinh ra, trong đó có 22 trẻ trai và 23 trẻ gái, tỷ số là 95,6 bé trai/100 bé gái.
Chị Vi Thị Hiền, người dân thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng cho biết: Vợ chồng tôi luôn quan niệm “con cái là món quà của cha mẹ”, vì vậy trong cả 2 lần mang thai, chúng tôi chỉ quan tâm con có khỏe mạnh, có được cung cấp đủ chất dinh dưỡng hay không. Khi được cán bộ dân số tuyên truyền, tôi càng nhận ra việc nuôi dạy, chăm sóc con thật tốt, con lớn lên khỏe mạnh, có tri thức, hiếu thảo là đã đủ hạnh phúc rồi.
Qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Tràng Định đã giảm rõ rệt qua từng năm. Nếu như năm 2018, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn huyện là 126 bé trai/100 bé gái thì năm 2022 tỷ lệ này là 112 bé trai/100 bé gái, giảm 4,7 điểm % so với năm 2021, thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh 2 điểm % (toàn tỉnh là 114 bé trai/100 bé gái).
Với những kết quả đã đạt được, các cấp, ngành liên quan ở huyện Tràng Định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra để giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, phấn đấu giảm từ 0,6 đến 0,7 điểm %/năm; nỗ lực đưa tỷ số giới tính ở mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội.
DƯƠNG KIM