Dân số Việt Nam dự kiến chạm ngưỡng 100 triệu người trong tháng 4 năm nay. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần định hướng chiến lược dân số giai đoạn 2031-2045, bảo đảm cho dân tộc phát triển bền vững đến năm 2100.
Việc sau khi thoát nghèo, càng giàu lên càng mất khả năng duy trì nòi giống không chỉ là quá trình xảy ra ở Nhật Bản mà còn tại tất cả các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Trước khi bàn về những thành tựu quan trọng của chiến lược phát triển dân số của Việt Nam, hãy cùng nhìn lại xu hướng phát triển dân số của các nước trong 50 năm qua.
Càng giàu càng mất khả năng duy trì nòi giống
Theo quan sát ở các nước trên thế giới, trong thế kỷ XIX và XX, bình quân cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 104-106 bé trai chào đời trong cùng thời kỳ. Do khả năng sống sót sau sinh của các bé trai thấp hơn bé gái nên ở tuổi trưởng thành, tỉ lệ bé trai và bé gái xấp xỉ 100/100.
Nếu các bé gái sau này lấy chồng khi trưởng thành và tính bình quân mỗi phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (khoảng 20 - 45 tuổi) có bình quân 2,1 con thì đến lúc đó, do một số ít đã mất nên số người ở tuổi trưởng thành bình quân sẽ là 2 - tức là nếu bình quân mỗi phụ nữ sinh được 2,1 con và sống cùng người phụ nữ đó luôn có một người đàn ông trong xã hội (tỉ lệ nam, nữ trưởng thành là 100/100), khi người phụ nữ và người đàn ông cùng thời sau này hết tuổi lao động và chết đi thì đã có 2 người con của người phụ nữ thay thế 2 người này, bảo đảm số lao động trong xã hội không bị thay đổi, dân số ổn định.
Nếu tuổi thọ bình quân ở một đất nước tăng thì dân số sẽ tăng, dù số lao động không tăng và số người dưới 18 tuổi không tăng. Vì vậy, người ta gọi số con mà một phụ nữ sinh ra trong đời (thường ở tuổi 20 - 45) bằng 2,1 con là tỉ suất sinh thay thế: thay thế chính mình và một người đàn ông cùng thời khi hai người này chết đi.
Một quốc gia mà tỉ suất sinh lớn hơn 2,1 thì trong điều kiện bình thường, số lao động, dân số của quốc gia đó sẽ tăng. Nếu tỉ suất sinh bằng tỉ suất sinh thay thế thì số lao động không tăng (không tính nếu thay đổi tuổi lao động), còn dân số tăng nhẹ do tuổi thọ tăng.
Ngược lại, khi tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế (không có người nhập cư) sẽ dẫn tới số lao động giảm (sau khoảng 18 năm, nếu tuổi làm việc là 18). Trong trường hợp này, dân số có thể vẫn tăng một thời gian, do tuổi thọ tăng và tỉ suất sinh thấp hơn tỉ suất sinh thay thế không nhiều (1,9 đến dưới 2,1); hoặc dân số sẽ giảm sau một thời gian dài (khoảng 25 - 35 năm) do tỉ suất sinh thấp hơn đáng kể tỉ suất sinh thay thế (dưới 1,8 đến 1).
Đồ họa: ANH THANH
Tức là khi tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế một thời gian dài (trên 20 năm), số người mới sinh ra không thay thế được hết số lao động nghỉ hưu, làm cho số lao động giảm và sau một thời gian, dân số sẽ giảm và mức độ dân số giảm nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ giảm của tỉ suất sinh so với tỉ suất sinh thay thế (1,8 đến 1 so với 2,1). Lúc này những quốc gia như vậy mất khả năng duy trì nòi giống. Nhật Bản là một trường hợp điển hình.
Không thể đảo ngược xu thế
Năm 1950, tỉ suất sinh ở Nhật Bản là 3,5, đến năm 1960 giảm bằng tỉ suất sinh thay thế, đến năm 1970 tỉ suất sinh là 2,07 (hình 1). Con số này cho thấy Nhật Bản đã duy trì cơ cấu dân số vàng được khoảng 10 năm (khi tỉ suất sinh xấp xỉ 2,1, số người trong độ tuổi đi làm - từ 15 tuổi đến 64 tuổi sẽ lớn gấp hơn 2 lần số người dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên).
Tuy nhiên, sau 10 năm, tỉ suất sinh ở Nhật Bản đảo chiều: Năm 1975 là 1,95; năm 1980 là 1,8 và sau đó giảm liên tục. Trong 20 năm, từ 2000 - 2020, tỉ suất sinh của nước này xuống mức 1,34 - 1,36; dự báo còn khoảng 1,67 sau 80 năm nữa, vào năm 2100. Khi tỉ suất sinh đã xuống tới 1,8 (năm 1980) thì sau 120 năm nữa, tức vào năm 2100, Nhật Bản cũng không tăng trở lại mức 1,8, càng không thể đạt tỉ suất sinh thay thế (2,1; hình 1).
Năm 1995, tức là 20 năm sau khi tỉ suất sinh thấp dưới tỉ suất sinh thay thế đáng kể (1,95 vào năm 1975), số người trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản bắt đầu giảm song dân số còn tăng và đạt đỉnh vào năm 2010 (128 triệu dân) do tuổi thọ của người Nhật rất cao và liên tục gia tăng. Chính việc số lao động chỉ giảm sau 20 năm (1975 - 1995) và dân số chỉ giảm sau 35 năm (1975-2010) đã che mờ nguy cơ thiếu lao động và dân số giảm do tỉ suất sinh giảm dưới tỉ suất sinh thay thế.
Do đó, chính phủ Nhật Bản đã không kịp thời đề ra và thực hiện các giải pháp hiệu quả để đảo ngược xu thế tỉ suất sinh giảm liên tục. Dự báo sau hơn 120 năm (1975-2100), nước này vẫn không thể đảo ngược được tình hình (tỉ suất sinh vào năm 2100 khoảng 1,67) nếu không có các biện pháp quyết liệt, khác về chất so với các giải pháp đã thực hiện 20 năm qua (hình 1).
Hậu quả không thể chấp nhận được: Tự diệt vong
Hậu quả của việc tỉ suất sinh thấp "bền vững" 45 năm dưới tỉ suất sinh thay thế (1,95 vào năm 1975 và 1,36 năm 2020) là đến năm 2100, tức là 90 năm sau khi dân số Nhật Bản đạt đỉnh cao nhất (128 triệu người vào năm 2010), dân số nước này sẽ chỉ còn 50 triệu người, bằng 39% dân số lúc cao nhất (hình 1) và sau đó 900 năm, vào năm 3000 còn khoảng 500 người.
Nghiên cứu của Đại học Tohoku (Nhật Bản) đã chỉ ra sau khoảng 1.000 năm, tính từ năm 2010, nước Nhật sẽ tuyệt chủng. Năm 3011, đứa trẻ cuối cùng sẽ được sinh ra ở Nhật Bản. Một nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc), dân số đứng thứ 11 thế giới (Việt Nam đứng thứ 15) đang đối diện với nguy cơ bị tuyệt chủng sau 1.000 năm nữa, sau khi trong 1.000 năm trước đã tăng dân số từ 4,5 triệu người lên 128 triệu người (hình 2).
Đồ họa: ANH THANH
Nếu xem xét diễn biến của tỉ suất sinh và GDP/người của Nhật Bản giai đoạn 1960-2020 (hình 3), sẽ thấy mối quan hệ ngược chiều rất lạ. Trong 10 năm, 1960-1970, tỉ suất sinh ổn định ở mức tỉ suất sinh thay thế (2,1-2,08) và ở giai đoạn này, năm 1960, thu nhập bình quân đầu người (GDP) của Nhật Bản là 474 USD, năm 1965 là 929 USD, tức là sắp vượt ngưỡng thu nhập thấp.
Từ năm 1966 trở đi, Nhật Bản là nước thu nhập trung bình, đến năm 1986 đạt mức thu nhập cao với 17.113 USD/người (ngưỡng thu nhập cao là trên 12.000 USD/người) và đến năm 1995 đạt 44.200 USD.
Như vậy, sau khi Nhật Bản thoát nghèo, càng giàu lên thì tỉ suất sinh càng giảm, từ 2,1 vào năm 1960 còn 1,43 vào năm 1995 (hình 3). 25 năm tiếp theo, 1995-2020, GDP bình quân đầu người không tăng, dao động ở mức bình quân 40.000 USD thì tỉ suất sinh cũng ổn định ở mức thấp là 1,34-1,36.
Đồ họa: ANH THANH
Nói cách khác, sau khi thoát nghèo (1996), nước Nhật càng giàu thì càng mất khả năng duy trì nòi giống. Nếu không có các giải pháp đột phá về chất để đảo ngược tình hình thì dân số 128 triệu người từ năm 2010 sẽ giảm dần (hình 1), còn 100 triệu người vào năm 2050, 50 triệu người vào năm 2100 và sau năm 3000, nước Nhật không tồn tại nữa (hình 2).
Ngày 17-3 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nói: "Khoảng 6-7 năm tới là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh giảm sâu" và công bố một loạt chính sách mới.
GS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV
Theo nld.com.vn