Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng của người dân, bằng những cách làm phù hợp, việc bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó có múa sư tử mèo đến thế hệ trẻ ở xã Hải Yến đã, đang được triển khai hiệu quả.
Có dịp được tham gia vào một buổi tập của đội múa sư tử mèo thiếu nhi thôn Tồng Riền, xã Hải Yến vào một ngày cuối tháng 3/2023, chúng tôi mới cảm nhận hết được nhiệt huyết của các em nhỏ nơi đây. Hơn 10 em xếp hàng ngay ngắn, cùng xoay tay, xoay chân, vươn vai, đứng tấn theo tiếng hô bắt nhịp của người hướng dẫn. Sau thời gian khởi động, các em được chuyển qua học múa võ và các điệu múa sư tử. Nhiều em còn rất nhỏ chỉ 6 – 7 tuổi, mồ hôi chảy ướt đẫm áo nhưng vẫn chăm chỉ thực hiện các động tác. Các em lớn hơn được hướng dẫn làm quen với chiêng, bộ gõ, thanh la, tập lắc đầu lân… Được biết, đội múa sư tử mèo nhí của thôn hiện có 15 thành viên từ 8 đến 15 tuổi. Buổi sinh hoạt của các em được các đoàn viên thanh niên của xã hướng dẫn vào những ngày cuối tuần.
Thành viên đội múa sư tử mèo thiếu nhi thôn Tồng Riềng, xã Hải Yến được hướng dẫn luyện tập bộ gõ, chiêng… trong điệu múa sư tử mèo truyền thống
Em Hứa Hải Đăng, 14 tuổi, thôn Tồng Riền, xã Hải Yến cho biết: Sau gần 6 năm học múa, đến nay em đã biết sử dụng chiêng, bộ gõ và múa một số điệu cơ bản. Năm 2022, em được tham dự hội thi múa sư tử mèo cấp tỉnh cùng các bác, các chú. Được nhiều người cổ vũ và yêu thích điệu múa này nên em vui lắm và em càng yêu điệu múa sư tử mèo quê mình hơn.
Hiện xã Hải Yến đã thành lập được 12 đội múa sư tử với gần 300 thành viên, trong đó có 6 đội múa sư tử mèo thiếu nhi với hơn 100 thành viên từ 8 đến 15 tuổi. Những năm qua, thành viên các đội múa sư tử mèo thiếu nhi ở xã đã tích cực tập luyện và tham gia một số giải của tỉnh, huyện, qua đó đạt một số thành tích như: giải ba và giải triển vọng năm 2019 (đội sư tử thiếu nhi thôn Tồng Riền); giải nhất hội thi múa sư tử mèo Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn năm 2022 (đội sư tử thanh niên phối hợp đội thiếu nhi)…
Ông Lý Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho biết: Nhằm bảo tồn những giá trị văn hoá dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là di sản múa sư tử mèo, hằng năm, chúng tôi luôn quan tâm, khuyến khích các thôn, nhà trường thành lập các câu lạc bộ, đội múa sư tử. Hiện nay, tại các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS của xã đều đưa việc giáo dục di sản văn hóa, đặc biệt là múa sư tử mèo vào các tiết học ngoại khóa. Tại phòng truyền thống của các trường đều dành một gian trưng bày tranh ảnh và đầu sư tử mèo.
Cô Nông Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS xã Hải Yến cho biết: Nhà trường hiện có 132 học sinh, trong đó gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2022, nhà trường đã thành lập CLB múa sư tử mèo với 7 thành viên, sinh hoạt ngoại khóa định kỳ hằng tháng và thường xuyên biểu diễn các sự kiện của nhà trường… Nhiều em đã tham gia vào các đội múa sư tử mèo của thôn, xã và đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Điều đặc biệt, 100% đội múa sư tử duy trì hoạt động bằng nguồn xã hội hóa. Ông Mã Văn Nhân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tồng Riền cho biết: Để người dân hiểu hơn về giá trị của di sản múa sư tử mèo, hằng tháng chúng tôi tuyên truyền đến người dân trong các cuộc họp thôn, xóm, đồng thời vận động và được bà con tích cực ủng hộ cho đội múa sư tử. Hiện nay, 100% hộ dân trong thôn đều ủng hộ kinh phí để hỗ trợ đội múa sư tử hoạt động.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự hưởng ứng của người dân, bằng những cách làm phù hợp, việc bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó có múa sư tử mèo đến thế hệ trẻ ở xã Hải Yến đã, đang được triển khai hiệu quả. Cách làm này cần được được nhân rộng để thời gian tới có thêm nhiều giá trị văn hóa của dân tộc được thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và phát huy.
Theo baolangson.vn