Nhiều khách hàng không mặn mà với các gói bảo hiểm, chỉ mua năm đầu để được nhanh chóng giải ngân vay tiền rồi xác định "mất trắng". Một số nhân viên tư vấn cũng chỉ xác định "ăn xổi một năm".
Theo ghi nhận của Dân trí, khách hàng đi vay tiền ngân hàng vẫn được nhân viên tư vấn mời chào các sản phẩm bảo hiểm đi kèm bảo hiểm để dễ giải ngân.
Nhân viên ngân hàng vẫn mời khách vay mua bảo hiểm
Chị Ngọc Tâm (Hà Nội) liên hệ với một nhân viên tín dụng VPBank chi nhánh Hà Nội hỏi vay mua chung cư. Chị được tư vấn lãi suất tại nhà băng này đang ưu đãi cho năm đầu là 12,5%/năm, từ năm tiếp theo áp dụng cách tính lãi suất cơ sở cộng biên độ là 3%. Cứ 3 tháng, lãi suất cơ sở sẽ được thay đổi một lần tùy theo ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, cộng thêm biên độ là ra lãi suất cho vay.
Nhân viên này nói với chị Tâm việc ngân hàng đang xảy ra tình trạng room khó khăn, nếu muốn hưởng lãi suất tốt hơn có thể mua thêm gói bảo hiểm AIA để được ưu đãi giải ngân.
Hay khi liên hệ với nhân viên tín dụng SHB chi nhánh Hà Nội, chị cũng được gợi ý mua thêm gói bảo hiểm Dai-ichi Life để chắc chắn được giải ngân và hưởng lãi suất thấp nhất.
Chị Ngọc Hà (Hà Nội) khi hỏi vay tại một chi nhánh tại Hà Nội của MSB cũng được tư vấn mua thêm gói bảo hiểm của Prudential để được giải ngân nhanh nhất. Nếu không, chị Hà sẽ phải chờ "xếp lốt".
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, nhân viên ngân hàng không đơn thuần "sống" từ dịch vụ huy động tiết kiệm, bán thẻ, tìm khách vay... Các sản phẩm tài chính, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, được bán mạnh, các giao dịch viên cũng bị áp doanh số.
Thị trường đã có rất nhiều "cú bắt tay" nghìn tỷ đồng giữa các ngân hàng với công ty bảo hiểm. Có thể kể đến các thương vụ như VPBank - AIA, Sacombank - Dai-ichi Life, Vietcombank - FWD, ACB và TPBank với Sun Life, MSB - Prudential, VIB - Prudential, hay VietinBank, Techcombank và SCB hợp tác với Manulife…
TPBank và Sun Life Việt Nam hợp tác phân phối bảo hiểm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Khách chẳng mặn mà, xác định mua bảo hiểm để được giải ngân nhanh
Về phía khách hàng, phản ánh tới Dân trí, không ít người cho biết họ chẳng mặn mà gì với các gói bảo hiểm mà chỉ mua năm đầu để được nhanh chóng giải ngân khoản vay rồi xác định "mất trắng" số tiền bảo hiểm này, còn các năm sau đó sẽ không mua.
Chị Thanh Huyền (Hà Nội) cho biết cuối năm 2020, vợ chồng chị có đến một chi nhánh VPBank tại Hà Nội nộp hồ sơ vay 600 triệu đồng để mua ô tô. Khi ấy, nhân viên tín dụng nói để dễ giải ngân, vợ chồng chị cần mua mỗi người một gói bảo hiểm AIA, thời hạn 15 năm, đóng 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nếu mua bảo hiểm thì ngân hàng này sẽ cho đặc quyền là ưu đãi mức lãi suất cố định trong năm đầu vay tiền. Như vậy, tổng số tiền mua bảo hiểm để được vay là 40 triệu đồng cho 2 vợ chồng, dù người đứng tên vay chỉ có mình chị.
"Tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng lúc đó cần tiền do đã cọc xe ô tô và ký hết giấy tờ, không thể bỏ được. Gấp quá nên đành phải cuốn theo lao, cắn răng bỏ tiền ra mua", chị Huyền nói.
Chị Huyền chỉ mua năm đầu để được vay tiền, chấp nhận mất trắng do bị trừ hết các loại phí. Nhân viên tư vấn cũng không hề liên hệ lại với chị để nhắc đóng tiền định kỳ.
Sang năm 2021, chị tiếp tục ra một chi nhánh BIDV tại Hà Nội để làm thủ tục vay 700 triệu đồng để mua chung cư. Tại đây, nhân viên lại tiếp tục chào mời chị Huyền "mua hộ" gói bảo hiểm 15 triệu đồng/năm.
"Tuy nhiên, hiểu rõ bảo hiểm không phải bắt buộc, tôi kiên quyết không mua dù nhân viên có lời mời. Tôi cũng nói thẳng 2 vợ chồng đã có sẵn gói bảo hiểm từ năm ngoái đi vay ở VPBank nên cuối cùng vẫn được vay mà không cần mua bảo hiểm", chị thông tin thêm.
Anh Thế Giang (Hà Giang) cũng cho biết, giữa tháng 4/2022, anh đến một chi nhánh ngân hàng ở quê để vay 250 triệu đồng mục đích kinh doanh và tu sửa nhà. Anh được nhân viên ngân hàng gợi ý phải mua gói bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng/năm.
Theo như lời nhân viên này, nếu đi bệnh viện nằm viện thì sẽ được chi trả tiền viện phí là 500.000 đồng. Tuy nhiên, để nhận được số tiền, anh tiếp tục phải mua thêm gói bảo hiểm rủi ro, giá hơn 1 triệu đồng. Nhưng đồng thời, số tiền này chỉ được chi trả cho những bệnh viện có liên kết với ngân hàng và tùy thuộc từng loại bệnh. Nếu đóng đủ số tiền 20 triệu đồng/năm trong 5 năm liên tục, anh sẽ được hưởng chế độ như trên và được hưởng lãi suất theo chế độ của bên bảo hiểm, tuy nhiên "lãi thì nhận lãi mà lỗ thì phải chịu".
Chị Ngọc Linh (Bình Phước) cũng thông tin đến Dân trí việc tháng 2 vừa rồi, vợ chồng chị đến một chi nhánh của LienVietPostBank tại đây để vay 150 triệu đồng. Bên ngân hàng tiếp nhận hồ sơ và ngay ngày hôm sau, chồng chị nhận được cuộc gọi của nhân viên tín dụng gợi ý mua gói bảo hiểm 10 triệu đồng/năm.
"Nếu anh chị mua bảo hiểm có liên quan hay liên kết với ngân hàng thì sẽ ưu tiên giải ngân sớm", chị Linh dẫn lời vị phó phòng tín dụng. "Bạn nhân viên tín dụng còn nói thêm có khách 3 tháng nay chưa được giải ngân, có khi đến cuối năm mới được giải ngân để gây áp lực", chị Linh nói. Tuy nhiên, vợ chồng chị đã kiên quyết không mua và gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng khác.
Bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng nở rộ vài năm trở lại đây, đóng góp tới 40% doanh thu khai thác mới của ngành bảo hiểm tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Nhân viên ngân hàng: Bán bảo hiểm chẳng "ngon ăn"
Không chỉ về phía khách hàng, phía nhân viên ngân hàng thực tế cũng không ít người tỏ ra không mấy mặn mà với việc chào mời bảo hiểm.
Theo nhân viên tín dụng tại một ngân hàng tư nhân, mức hoa hồng cho việc bán hợp đồng bảo hiểm là 8% giá trị hợp đồng năm đầu (trước thuế). Điều này tương ứng, nếu "chốt" được gói bảo hiểm 20 triệu đồng/năm, nhân viên tín dụng sẽ được khoảng 1,6 triệu đồng.
Nhân viên này cũng nói do chỉ được hoa hồng năm đầu nên chỉ "ăn xổi một năm". "Phía khách hàng cũng chỉ mua để được giải ngân, không nhiều người duy trì sang năm sau", nhân viên này nói thêm.
Một nhân viên tại nhà băng tư nhân khác tiết lộ mức hoa hồng cho bảo hiểm lên tới 10% giá trị hợp đồng năm đầu. Tuy nhiên, việc bán bảo hiểm cũng không "ngon ăn" cho bị áp doanh số hàng trăm triệu mỗi năm.
Tại một số ngân hàng khác, nhân viên thậm chí không được ăn hoa hồng từ việc bán bảo hiểm. Nếu "chốt" được hợp đồng sẽ được cộng vào điểm % KPI. "Được mấy điểm %, không bõ dính răng", nhân viên này nói. Theo các nhân viên ngân hàng, thực tế chỉ có nhân viên tư vấn của công ty bảo hiểm mới được hưởng mức hoa hồng cao, còn nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm chủ yếu vì bị áp doanh số.
Nhiều khách hàng nói chỉ mua bảo hiểm để được ưu tiên giải ngân khoản vay, không có nhu cầu duy trì lâu dài (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Nhiều ngày gần đây, bên cạnh câu chuyện phát sinh từ các đại lý bảo hiểm của công ty bảo hiểm thì vấn đề bảo hiểm nhân thọ được bán chéo trong ngân hàng cũng được quan tâm.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Minh - Phó chủ tịch Hội đồng Tài chính cá nhân (Hiệp hội Tư vấn tài chính) - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm - cũng cho biết nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm hầu hết không được đào tạo bài bản, có tình trạng nhận chỉ đạo từ cấp trên để bán hàng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông hôm 18/4, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nói tư vấn bán bảo hiểm tại ngân hàng là hoạt động chuyên nghiệp. Các ngân hàng trên thế giới đều có hoạt động bancassurance. VPBank có thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm 19 năm với AIA, hiện đã đi được 14 năm. Ông Vinh khẳng định việc bán bảo hiểm AIA tại nhà băng hoàn toàn theo chủ trương là đối tác, giới thiệu cho khách hàng tham gia đầu tư. "Việc huấn luyện tư vấn đã được phối hợp cùng công ty bảo hiểm", vị này nói.
Theo ông Vinh, thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin về việc khách hàng tố nhân viên bảo hiểm không tư vấn đúng. "Tôi khẳng định điều này có xảy ra nhưng số lượng ít. Về cơ bản, các khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm của AIA kết hợp với VPBank hiện vẫn hoạt động bình thường. Chúng tôi coi đây là phân mảng quan trọng của VPBank trong nhiều năm tới", ông Vinh thông tin tới cổ đông.
Theo dantri.com.vn