Núi liền núi, sông liền sông (Kỳ 2)

Thứ 4, 28.06.2023 | 14:56:08
1,035 lượt xem

Tương đồng về văn hóa trong mối quan hệ giao lưu Việt – Trung

Văn hóa “ruộng lúa nước” có thể nói là văn hóa trung tâm hai bên biên giới Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Điều đó dẫn đến những nét tương đồng trong phong tục tập quán, mối quan hệ giao hảo giữa nhân dân hai bên biên giới. Chỉ ra những nét tương đồng này từ các góc độ về văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, sẽ thấy được rõ nét hơn mối quan hệ giao lưu của nhân dân hai bên biên giới Việt – Trung. 

Trước tiên, về mặt dân tộc, phải nói rằng dân tộc Tày – Nùng là hai dân tộc thiểu số có số dân đông nhất Việt Nam sau dân tộc Kinh. Dân tộc Tày là một trong những dân tộc sống lâu đời nhất trên đất nước ta. Dân tộc Nùng cũng xuất hiện ở Việt Nam từ lâu đời nhưng sau người Tày. Về sau, những người dân tộc Nùng đã sống trước đó sát nhập vào dân tộc Tày, còn những người Nùng hiện nay đang sinh sống mới di chuyển vào Việt Nam cách đây khoảng 200 năm. Dựa vào một số gia phả và truyện kể của một số dòng họ thì Lạng Sơn là một trong những địa bàn mà dân tộc Nùng được di cư vào sớm nhất.

Ở bên kia biên giới, hiện người dân tộc Choang đa số sống ở Quảng Tây, Trung Quốc, thành lập nên Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Khu hành chính cấp tỉnh của Cộng hoà dân chủ nhân dân Trung Hoa) với thủ phủ đặt ở thành phố Nam Ninh. Quảng Tây hiện chia làm 14 địa cấp thị (tức thành phố cấp địa khu, dưới cấp tỉnh nhưng trên cấp huyện - ở Việt Nam không có cấp hành chính tương đương, nhưng có thể hiểu là thành phố trực thuộc tỉnh); 111 khu hành chính cấp huyện. Trong đó bao gồm: 40 thị hạt khu, 10 thành phố cấp huyện, 49 huyện, 12 huyện tự trị, 1247 xã. Cùng với tên gọi của khu, đây là nơi thể hiện rõ nét các đặc trưng văn hóa, xã hội của dân tộc Choang.

Về sản xuất nông nghiệp, người Tày – Nùng ở Lạng Sơn từ thuở sơ khai đến bây giờ vẫn chủ yếu lấy nông nghiệp lúa nước làm nghề sản xuất chính. Dân tộc Tày Lạng Sơn thường cư trú ở vùng trũng thuộc lưu vực các con sông lớn, các thung lũng và cánh đồng tương đối bằng phẳng. Địa bàn thuận lợi nên trình độ canh tác lúa nước của người Tày vốn không thua kém người Kinh. Vốn là người bản địa nên dân tộc Tày cũng lập làng ở vị trí thuận lợi hơn các dân tộc khác. Đồng bào Tày thạo việc ươm tơ dệt lụa. Dân tộc Nùng cũng canh tác lúa nước nhưng do địa bàn cư trú thường là nơi chuyển tiếp giữa vùng thấp và vùng cao, không thuận lợi như người Tày nên làm nương rẫy cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống nông nghiệp của người Nùng. 

Còn đối với dân tộc Choang Quảng Tây, từ số lượng lớn nông cụ được khai quật, đặc biệt là công cụ sản xuất lương thực như xẻng đá, mâm cối đá, chày đá… cho thấy ba bốn nghìn năm trước, họ đã nắm vững cách trồng lúa nước, là một trong những dân tộc đầu tiên biết trồng lúa nước ở Trung Quốc. Sản xuất nông nghiệp đã trở thành một ngành sản xuất chủ yếu của người đương thời. Họ xây dựng nhà ở dựa theo “Na văn hóa” (văn hóa ruộng lúa nước), gọi là văn hóa “can lan”. Đây là kiến trúc nhà ở đặc trưng của người Choang, là kết cấu hình nhà sàn treo trên núi, dưới có một cột đứng, đỡ cả nhà, mặt chính đúng giữa có hai cánh cửa, dưới cửa có then, hai bên có lan can và hành lang, đỉnh nhà trước sau làm hình dáng của mái ngói hay gờ ngói, hoa văn ở bốn bức tường hình xương ống trúc có hình chữ “thập” 十 nổi lên. Kiến trúc như vậy để thích ứng với miền núi lắm mưa, địa thế không bằng phẳng, phòng mãnh thú, ngừa đạo chích. 

“Can lan” – kiến trúc nhà ở của dân tộc Choang 

Về mặt y học dân gian: Sống giữa rừng núi hoang vu với bao sự đe dọa của thiên nhiên về thiên tai, hạn hán, sâu bọ, dịch bệnh, v.v... người dân miền núi nói chung trong đó có người Tày, Nùng Lạng Sơn không tránh khỏi sự sùng bái tự nhiên, tin tưởng vào các thế lực tự nhiên và ma quỷ. Những bệnh thường gặp, người dân có thể chữa trị bằng các bài thuốc truyền thống, lấy thuốc từ các loại lá cây, hoặc nội tạng động vật. Nhưng khi bị bệnh nặng, người Tày – Nùng từ xưa cho đến ngày nay vẫn thường nhờ đến các ông then, thầy mo hoặc cúng thường kì trong các lễ giải hạn, lễ phòng bệnh. Trong cộng đồng người Tày Nùng, có thể nói truyền thống chữa bệnh bằng cúng bái đã ăn sâu vào trong tâm lý và trở thành nỗi ám ảnh về một thế lực vô hình trong ý thức. Vì vậy ngày nay để giải toả tâm lý, nhiều gia đình vẫn kết hợp hai cách chữa bệnh vừa dùng thuốc trị liệu vừa chữa trị bằng lễ Then như một liệu pháp tinh thần nhằm mang lại sự bình ổn về tinh thần cho người bệnh và gia đình. Và như vậy đôi khi kết quả chữa bệnh lại đến từ cả hai phía. Chính vì vậy các nghi lễ cúng cho đối tượng người già và trẻ em như cầu an, giải hạn, chúc thọ, cúng Mẹ Hoa v.v... vẫn khá phổ biến trong đời sống người dân Tày, Nùng. Cách chữa bệnh này đối với y học hiện đại mà nói mang phần mê tín dị đoan, tuy nhiên gần đây, một số nghiên cứu y học, trong những trường hợp cụ thể thì việc chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần của Then là có thực và ít nhiều có những tác dụng nhất định trong đời sống của người dân, trở thành một nét đặc sắc trong hoạt động chữa bệnh của người Tày – Nùng.

Riêng về mặt y học, thì người Choang lại có một nền y học dân gian khá nổi trội và rõ nét, hình thành nên một nền y học dân gian mang tính khu vực, một hệ thống y dược mang tính truyền thống và tính dân tộc. Người Choang gọi đó là “Y thác”. Trong đó “Y” có nghĩa là y dược, “thác” có nghĩa là bản địa, cả từ có nghĩa là thổ y, thổ dược – thuốc và y trị của người bản địa. Họ chủ yếu dùng thuốc lấy từ tự nhiên như các loài cây, có mọc trên rừng, trên núi, liệu pháp chữa bệnh phổ biến là châm cứu. Hai nghìn năm trước, tổ tiên người Choang đã có một kĩ thuật chế tạo châm tương đối cao. Nhìn về tổng thể, kĩ thuật trị liệu bằng châm cứu của người Choang tương đối tiên tiến so với người đương thời. Trình độ chữa trị các loại bệnh từ bệnh sởi, mụn nhọt, trúng gió, cảm mạo đến dùng độc và giải độc, nội thương và ngoại thương đều đạt đến trình độ tương đối cao, sơ bộ hình thành hệ thống y học của dân tộc mình. 

Về văn hóa phi vật thể, trước tiên phải nói tới ngôn ngữ. Dân tộc Tày – Nùng ở Lạng Sơn cũng là những dân tộc có tiếng nói riêng và cùng thuộc cộng đồng các dân tộc nói tiếng Tày – Thái. Tiếng Tày và tiếng Nùng gần như là tương đồng, ngữ âm và ngữ nghĩa gần nhau. Người dân của hai dân tộc có thể dễ dàng hiểu được và học tiếng nói của nhau. Người Tày – Nùng có chữ viết riêng nhưng cũng mượn chữ Hán để diễn đạt hình, ý của ngôn ngữ dân tộc mình, gọi là chữ Nôm Tày và Nôm Nùng, thường dùng để ghi chép thơ ca và truyện cổ dân gian. Tuy nhiên, hiện nay rất hiếm người dân tộc Tày – Nùng còn biết đến và sử dụng thứ chữ này bởi con em dân tộc Tày – Nùng thời hiện đại đều học chữ Quốc ngữ, ngôn ngữ Tày – Nùng vẫn được duy trì trong đời sống sinh hoạt nhưng chủ yếu là khu vực ngoại thành và các huyện của tỉnh Lạng Sơn. Người Tày – Nùng sáng tác ca dao bằng ngôn ngữ riêng của mình, tạo được bản sắc riêng trong nền văn học dân gian dân tộc. Trên thực tế, tại các cặp chợ vùng biên, bà con nhân dân hai bên vẫn có thể giao lưu, nói chuyện bằng ngôn ngữ Tày – Nùng. Điều này là thường xuyên và phổ biến, khiến người dân hai bên dễ dàng trao đổi, làm việc, kết thân. 

Văn bản chữ Nôm Tày của Lạng Sơn (một “Phong slư”)

Song song với đó, ngôn ngữ của người Choang cũng có mối quan hệ cộng sinh với văn hóa Choang. Ngôn ngữ dân tộc Choang thuộc nhánh ngữ Choang Thái, ngữ tộc Choang Động, ngữ hệ Hán Tạng. Trình độ ngôn ngữ của người Choang cũng thể hiện cao nhất ở việc có riêng cho mình chữ viết. Thứ chữ này đã có trên 2000 năm lịch sử. Trong những mộ táng có niên đại từ cuối thời Tây Chu, được khai quật tại thị trấn Mã Đầu, huyện Vũ Minh, Quảng Tây, Trung Quốc, người ta đã phát hiện ra những chữ tượng hình, là hình thức đầu tiên của chữ thổ tục sau này. Để ghi chép lại ngôn ngữ của mình, người Choang đã sớm dùng ý, âm, hình của chữ Hán để sáng tạo nên chữ Choang cổ. Chữ viết của người Choang còn được gọi là “chữ thổ tục”.

Người Tày – Nùng không thờ thần Bố Lạc Đà như người Choang ở Quảng Tây mà chủ yếu thờ tổ tiên. Ngoài ra, đồng bào Tày – Nùng thờ Phật bà Quan Âm; Bà Mụ hay Mẹ Hoa, Mẹ Bjoóc (giống như mẫu Lục Giáp của người Choang); thờ thổ công và tổ sư thầy mo, then. Nói tới tín ngưỡng tôn giáo của người Tày – Nùng Lạng Sơn, cần lưu ý tới những ảnh hưởng của Tam giáo (Nho, Phật, Đạo). Nhưng đó không phải là sự du nhập mà cơ bản dựa trên nền tảng của tín ngưỡng dân gian. Đồng bào Tày – Nùng cũng rất kính nể và tin tưởng những thầy Mo, Tào, Pụt (tức những thầy phù thủy trong tôn giáo nguyên thủy, hành nghề cúng bái). Những việc vui, việc buồn đặc biệt là khi gặp bất trắc trong cuộc sống, họ tìm đến những ông thầy này để xem bói và tìm cách giải trừ. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Tày – Nùng Xứ Lạng. 

Một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Choang là văn hóa tôn giáo nguyên thủy với hai biểu hiện cơ bản nhất là bói xương gà và các thầy mo. Trên cơ sở sùng bái tự nhiên lấy quan niệm vạn vật hữu linh làm trung tâm, cùng với hệ thống thần thoại và thuật bói xương gà, các vu sư dần dần phát triển đến hình thức cũng tế thần linh bằng “mo”. Thực tế, “Mo” vốn là một hình thức ngâm vịnh thơ ca hoặc lời cầu khấn để thông linh với tự nhiên, trời đất.

Một phần nghi lễ theo tín ngưỡng Mo giáo ở huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, Quảng Tây

Như vậy có thể nói rằng, dân tộc Choang và dân tộc Tày – Nùng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, hoàn cảnh sống, từ đó tạo nên sự đồng điệu trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân hai bên biên giới. Đó chính là sự thuần hậu, chất phác, bình dị dễ gần của những người dân hai bên biên giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng cả về mặt xã hội và lịch sử trong mối quan hệ giao lưu Việt - Trung. 


Diệp Hằng - Đài PTTH Lạng Sơn

  • Từ khóa