Hải quan tỉnh ứng dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Thứ 2, 20.01.2020 | 11:05:09
555 lượt xem

Ba năm gần đây, Cục Hải quan Lạng Sơn tăng cường chỉ đạo triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) hải quan. Qua đó, doanh nghiệp đã giảm được thời gian, công sức, chi phí khi thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu.

   Trên 88% TTHC ứng dụng dịch vụ công

Hiện tại, ngành hải quan Lạng Sơn có 193 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 32 TTHC được giải quyết ở cấp cục, 161 TTHC được giải quyết ở cấp chi cục. Từ khi bắt đầu ứng dụng DVCTT vào giải quyết TTHC (tháng 3/2017) đến nay, toàn ngành có 170/193 DVCTT mức độ 3 và 4, đạt trên 88% tổng số TTHC đang giải quyết. Trong quá trình giải quyết, có 10 nhóm hồ sơ thường phát sinh qua hệ thống DVCTT của ngành nhưng chủ yếu là nhóm hồ sơ liên quan đến: hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung hồ sơ hải quan; hoàn thuế; xử lý thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; khai bổ sung hồ sơ khai thuế… Với kết quả triển khai ứng dụng DVCTT những năm gần đây, ngành hải quan tỉnh là một trong những đơn vị có tổng số DVCTT mức độ 3 và 4 nhiều nhất so với các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh. Cũng từ năm 2017 đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết gần 5.500 hồ sơ TTHC liên quan đến 261 doanh nghiệp, trong đó, 100% hồ sơ được giải quyết đúng quy định, trả kết quả đúng và sớm hẹn.

Cán bộ Chi cục Hải quan Hữu Nghị xử lý hồ sơ TTHC hải quan của doanh nghiệp qua DVCTT mức độ 3, 4

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Nhờ ứng dụng DVCTT, phần lớn những hồ sơ TTHC đã được cục và các chi cục tiếp nhận, xử lý nhanh gọn, thuận tiện, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện gửi, nộp hồ sơ đến đơn vị hải quan. Đây là bước cải cách mạnh mẽ của ngành nhằm hiện đại hóa hải quan theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Cái lợi lớn nhất của việc ứng dụng này chính là công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện TTHC và doanh nghiệp rút ngắn được thời gian thông quan, giúp tiết kiệm chi phí, công sức đi lại trực tiếp đến cơ quan hải quan so với trước.

   Minh bạch hóa quy trình giải quyết

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiếu Hiền (Hà Nội) là doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Những năm gần đây, nhờ một số thủ tục hải quan được tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trả kết quả qua DVCTT mức độ 3 và 4 nên doanh nghiệp có nhiều thuận lợi khi thực hiện. Chị Trần Thị Kim Oanh, đại diện công ty cho biết: Trước đây, để thực hiện thủ tục  hủy tờ khai, hoàn thuế của doanh nghiệp, chúng tôi phải trực tiếp nộp hồ sơ giấy tại bộ phận văn thư chi cục hải quan. Nhờ hệ thống DVCTT được triển khai, doanh nghiệp có thể truy cập và nộp hồ sơ điện tử trên thiết bị có kết nối mạng và sau vài thao tác là có thể gửi được hồ sơ ngay tại trụ sở doanh nghiệp mà không phải trực tiếp mang hồ sơ đến cơ quan hải quan. Trong quá trình nộp hồ sơ, nếu có thiếu sót, chúng tôi được cơ quan hải quan phản hồi ngay trên hệ thống nên không lo bị nộp chậm hồ sơ. Theo tính toán của doanh nghiệp, mỗi hồ sơ được thực hiện qua DVCTT giúp doanh nghiệp giảm tối đa 2 ngày làm việc cùng một số chi phí phát sinh khác (đi lại, giấy tờ), góp phần thông quan nhanh hàng hóa từ 2 đến 3 ngày/lô hàng.

Không chỉ có lợi với doanh nghiệp, DVCTT là hệ thống xử lý TTHC một cách công khai, minh bạch nên đây còn là công cụ hiệu quả trong chống tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra của ngành hải quan.  Ông Đỗ Thanh Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết: “Toàn bộ quy trình giải quyết hồ sơ TTHC được lưu trên nhật ký hệ thống DVCTT nên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan và lãnh đạo cấp trên có thể theo dõi, giám sát, biết được chi tiết, quá trình giải quyết hồ sơ qua DVCTT. Tiện ích này đã tăng tính trách nhiệm đối với mỗi cán bộ trong đơn vị nên trong năm 2019, 80/80 hồ sơ được đơn vị giải quyết qua hệ thống DVCTT đều đảm bảo đúng quy định, trả kết quả đúng và sớm hẹn”.

Thời gian tới, Cục Hải quan sẽ chỉ đạo rà soát để tiếp tục tăng số lượng DVCTT mức độ 3 và 4; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc đẩy mạnh triển khai DVC; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của DVCTT nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, doanh nghiệp, góp phần tăng mức độ tham gia sử dụng DVCTT lĩnh vực hải quan.

Theo baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/265576-hai-quan-tinh-ung-dung-hieu-qua-dich-vu-cong-truc-tuyen.html

  • Từ khóa