Do điều kiện địa hình, cùng khí hậu khắc nghiệt nên những năm qua khu vực miền trung phải hứng chịu nhiều trận bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, nước dâng… làm ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Vì vậy, việc thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng đang được các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện.
Đập Bàn Vàng ở xã Tiến Thành, Yên Thành (Nghệ An) lâu ngày xuống cấp bị nước lũ cuốn trôi. (Ảnh: Thành Châu) |
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đợt mưa lũ lịch sử tháng 11/1999 (một trong những trận thiên tai nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực bảy tỉnh miền trung) làm 818 người chết và mất tích, gần 1,2 triệu nhà dân, trụ sở bị đổ sập, hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, thiệt hại gần 4.150 tỷ đồng (thời điểm năm 1999).
Đến năm 2009, miền trung tiếp tục hứng chịu 11 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới gây ra 4 trận lũ. Năm 2010, có 6 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào địa bàn các tỉnh miền trung kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10.
Tiếp đến năm 2020, mưa lũ diện rộng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng liên tiếp của 8 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. Những số liệu đo mưa đã ghi nhận những con số kỷ lục với lượng mưa phổ biến từ 1.000 đến 2.000mm, nhiều nơi hơn 3.000mm. Các đợt lũ lớn xuất hiện ở 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có bốn tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 khiến hơn 317 nghìn hộ với 1,2 triệu người bị ngập lụt tại bảy địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập lụt hơn nửa tháng.
Các đợt lũ lớn xuất hiện ở 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có bốn tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 khiến hơn 317 nghìn hộ với 1,2 triệu người bị ngập lụt tại bảy địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam, nhiều nơi ngập lụt hơn nửa tháng
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hằng năm trên địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, sạt, xói lở bờ sông, biển gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Qua thống kê, từ năm 2000 đến tháng 6/2023, trên địa bàn thiên tai làm 181 người chết, 368 người bị thương và thiệt hại về tài sản hơn 15.679 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Quảng Trị đã có những phát triển đáng kể, từng bước chuyển từ bi ̣động ̣ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Các địa phương và người dân ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đã được chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn củng cố, kiện toàn và phát triển nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng; thông tin và truyền thông, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại các cấp; hướng dẫn lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giảng dạy tại các cấp học; xây dựng và nhân rộng mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm phòng, chống thiên tai tại cộng đồng…
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua Trung tâm đã đầu tư, nghiên cứu xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục sau thiên tai trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nhân dân vùng bị ảnh hưởng phát triển sinh kế phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Điển hình như các mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gia cầm… ở vùng bị ảnh hưởng của các đợt thiên tai, hạn hán, lũ lụt gây ra. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò, lợn an toàn sinh học đạt hiệu quả cao hơn từ 25 đến 30% so với các mô hình chăn nuôi truyền thống. Ngoài ra, còn có các mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối; mô hình trồng lạc phủ bạt nilon, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình phục hồi đất bị bồi lấp do mưa lũ sang trồng đậu xanh, cải thiện sinh kế cho người dân…
Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng, do tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt, trong khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đã và đang đặt các cộng đồng trong môi trường dễ bị tổn thương, người dân là một trong những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với các rủi ro này. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, năng lực của người dân, cộng đồng, năng lực của chính quyền trong phòng, chống thiên tai là rất cần thiết bởi người dân địa phương hiểu rõ về cộng đồng của họ, biết những thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu của mình khi thiên tai xảy ra.
Tổ chức các diễn đàn, tập huấn, giúp cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai. Từ đó, có sự chủ động, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, tránh thiên tai. Qua đó, sẽ giúp họ chủ động chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó khi có thiên tai xảy ra nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các đối tượng dễ bị tổn thương.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, để chủ động ứng phó hiệu quả, hướng đến giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo sinh kế bền vững cho người dân cần phổ biến pháp luật, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền và người dân với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích ứng thiên tai và phát triển bền vững; ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Mặt khác, quy hoạch lại sản xuất phù hợp với điều kiện vùng lũ, ngập lụt, nguy cơ sạt lở cao, khô hạn; chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện thiên tai; quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tránh tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, di dời các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thich-ung-va-giam-thieu-rui-ro-thien-tai-tai-cong-dong-post776285.html