Theo thống kê của ngành y tế, trong hơn nửa đầu của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, số ca tai nạn giao thông nhập viện giảm khoảng 15%.
Tết nguyên đán Canh Tý năm 2020 là kỳ nghỉ dài ngày đầu tiên kể từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành.
Theo thống kê của ngành y tế, trong hơn nửa đầu của kỳ nghỉ Tết nguyên đán này, số ca tai nạn giao thông nhập viện giảm khoảng 15%, đặc biệt số trường hợp liên quan đến nồng độ cồn trong máu giảm mạnh, thậm chí có bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp tai nạn giao thông nào liên quan đến nồng độ cồn.
Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca tai nạn giao thông giảm rõ rệt. (Ảnh: Hà Nội Mới) |
Những ngày nghỉ Tết nguyên đán, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không khí làm việc vẫn diễn ra khẩn trương. Các y, bác sĩ mỗi kíp trực vẫn làm việc từ 8h sáng hôm trước đến 8h sáng hôm sau, khẩn trương cấp cứu, hồi sức cho những trường hợp tai nạn giao thông được chuyển đến bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, những căng thẳng và áp lực công việc đã giảm bớt so với cùng kỳ những năm trước, do số ca tai nạn giao thông chấn thương nặng liên quan đến rượu bia đã giảm gần một nửa.
Bác sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Nghị định 100 cấm sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông mới triển khai khỏag 3 tuần nhưng chúng tôi cảm nhận 3 tuần vừa rồi lượng bệnh nhân tai nạn giao thông nặng kèm theo rượu bia, chấn thương sọ não giảm hơn so với trước khi có Nghị định”.
Tại Bệnh viện viện Thanh Nhàn, Hà Nội, từ ngày 28 đến mồng 2 Tết Canh Tý cũng chỉ tiếp nhận 18 trường hợp tai nạn giao thông nhập viện, giảm 5 lần so với năm ngoái, đặc biệt không có trường hợp nào liên quan đến rượu, bia.
Như vậy gần 1 tháng kể từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, tại bệnh viện này chưa ghi nhận ca tai nạn giao thông nào có nồng độ cồn trong máu.
Bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: “Thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, lượng bệnh nhân do tai nạn giao thông rượu, bia giảm hẳn. Phòng khám cấp cứu của bệnh viện chúng tôi trước khi chưa có Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì luôn có tới 120-130 bệnh nhân, nhưng nay giảm chỉ còn 60-70 ca, trong đó không có bệnh nhân liên quan đến rượu bia. Trước đây, thanh niên uống rượu gây tai nạn vào bệnh viện nhiều và thường vào ban đêm, nhưng nay giảm nên bệnh nhân của không còn phải nằm ghép nữa”.
Số bệnh nhân tai nạn giao thông nói chung, tai nạn do rượu bia nói riêng những ngày qua tại Bệnh viện đa khoa Hưng Yên cũng giảm mạnh. Theo bác sĩ Lê Ngọc Hào, khoa Gây mê hồi sức, dù chưa thống kê đầy đủ nhưng bằng cảm quan đã thấy số trường hợp tai nạn giao thông, nhất là số ca có nồng độ cồn trong máu nhập Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên trong mấy ngày nghỉ Tết cổ truyền vừa qua cũng như gần 1 tháng qua đã giảm rõ rệt.
"Những năm trước chấn thương nhiều nằm la liệt. Tỷ lệ tai nạn đa chấn thương giảm nhiều. Mọi năm nhiều lắm, năm nay giảm chỉ còn một nửa”, bác sĩ Lê Ngọc Hào cho biết.
Số ca cấp cứu tai nạn giao thông do uống rượu bia giảm mạnh ở nhiều nơi đã cho thấy, Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 bước đầu đã đi vào cuộc sống. Xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông đang cho thấy những hiệu quả rõ rệt và thực tế đòi hỏi việc làm này cần được duy trì để tiếp tục giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm do rượu bia gây ra./.
Văn Hải/VOV1